“Dòng vốn xanh” tiếp sức cho nông dân
Chúng tôi được anh Nguyễn Hoàng Chương, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp kinh doanh tổng hợp Đồng Din, xã Phú Hòa 1 (tỉnh Đắk Lắk) mời ăn bánh khóm (dứa) do Hợp tác xã chế biến đang được thị trường tiêu thụ rất tốt.

Anh Nguyễn Hoàng Chương, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp kinh doanh tổng hợp Đồng Din cho biết, nhờ vốn vay của Agribank Phú Yên, Hợp tác xã đã đầu tư cơ sở chế biến bánh khóm. Ảnh: KS.
Anh Chương giới thiệu, nguyên liệu làm nên bánh khóm này đều đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng, có nguồn gốc và xuất sứ rõ ràng. Vỏ bánh được làm từ sữa, phô mai, bơ even, bột mỳ ngoại nhập, còn nhân được làm từ những trái khóm trồng trên địa bàn.
Đó là trên vùng đất đồi, sỏi đá thuộc khu vực Đồng Din, dù thời tiết khí hậu khắc nghiệt nhưng cây khóm nơi đây có sức sống mãnh liệt, vươn chồi, đơm hoa kết trái cho vị ngọt thơm đặc trưng. Vì thế mà phần nhân của bánh khóm Đồng Din cũng khác biệt so với các sản phẩm cùng loại. Chúng tôi ăn cảm nhận vỏ bánh giòn tan, nhân bánh dẻo thơm, có một chút chua chua trộn với hương vị ngọt dịu để lại ấn tượng sâu đậm khó quên.
“Hiện sản phẩm này đã đạt OCOP 3 sao, được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng. Ngoài vào kệ siêu thị, sản phẩm còn được một số cơ sở kinh doanh du lịch tại các tỉnh Khánh Hòa, Đà Nẵng, TP HCM, TP Hà Nội…đặt hàng để phục vụ du khách”, anh Chương chia sẻ.
Theo anh Chương, ngoài bánh khóm hiện Hợp tác xã còn nhiều sản phẩm chế biến từ khóm cũng đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao, 4 sao như nước ép khóm nguyên chất, mứt khóm sấy, rượu khóm. Các sản phẩm được sản xuất theo quy trình, các tiêu chuẩn quốc tế về quản lý chất lượng (ISO) và an toàn thực phẩm (HACCP).

Sản phẩm bánh khóm của Hợp tác xã chế biến ăn rất ngon. Ảnh: KS.
Ngoài ra, Hợp tác xã còn tận dụng phụ phẩm khóm từ quá trình sản xuất để tạo ra giấm khóm, nước lau sàn, nước rửa chén sinh học từ khóm. Từ đó giúp Hợp tác xã mang lại doanh thu hàng tỉ đồng mỗi năm. Các thành viên của Hợp tác xã gồm 7 người có mức thu nhập ổn định, vươn lên khá giả. Các hộ trên địa bàn liên kết hợp tác xã cung cấp nguyên liệu yên tâm trồng khóm và không còn cảnh phải đem sản phẩm chất đống dọc đường, bán đổ bán tháo như trước đây. Bên cạnh đó, Hợp tác xã còn tạo công ăn việc làm cho 16 lao động, với mức thu nhập 6-7 triệu đồng/tháng.
Cũng theo ông Chương, để Hợp tác xã hoạt động hiệu quả như hôm nay có sự tiếp sức nguồn vốn vay của Agribank Chi nhánh Phú Yên. Ngân hàng không chỉ cung cấp vốn cho Hợp tác xã từ khi thành lập vào năm 2018 nhằm phát triển vùng nguyên liệu mà còn cho vay xây dựng nhà xưởng, máy móc thiết bị để chế biến các sản phẩm sau cây khóm.
Rời Hợp tác xã Nông nghiệp kinh doanh tổng hợp Đồng Din, chúng tôi đến thăm vườn hoa cây cảnh của anh Bùi Xuân Khoan, ở phường Bình Kiến (tỉnh Đắk Lắk). Vườn hoa có diện tích 3.600m2 hiện trồng hàng ngàn cây quất cảnh, mai và hải châu, linh sam bonsai với nhiều kích thước lớn nhỏ khác nhau. Giá trị vườn hoa này ước tính hàng tỷ đồng.

Anh Khoan chăm sóc hoa cây cảnh. Ảnh: KS.
Anh Khoan cho biết, đã có thâm niên hơn 20 năm trồng hoa cây cảnh nhưng vài năm gần đây, anh mới phát triển mạnh ngành nghề. Hằng năm, anh bán mai, quất cảnh dịp Tết và các cây cảnh bonsai mang lại doanh thu từ 600-800 triệu đồng.
“Để có cơ ngơi này, tôi có sự tiếp nguồn vốn vay của Agribank Chi nhánh Phú Yên. Từ nguồn vốn vay, tôi đã sử dụng trong việc đầu tư chăm sóc và mua thêm phôi cây cảnh để mở rộng quy mô sản xuất”, anh Khoan chia sẻ.
Hơn 33.000 khách hàng vay vốn
Ông Phan Thông Thái, Giám đốc Agribank Chi nhánh Phú Yên cho biết, những năm qua, ngân hàng luôn xác định rõ vai trò chủ lực trong cung ứng tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn theo đúng định hướng phát triển tam nông của Đảng, Nhà nước và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam.
Để phát huy hiệu quả nguồn vốn cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, Agribank Chi nhánh Phú Yên đã cải tiến quy trình, rút gọn thời gian thẩm định dự án, phương án vay vốn và nâng định mức vay vốn cho khách hàng.
Bên cạnh đó, để bảo đảm nguồn vốn, hàng năm đơn vị giao chỉ tiêu huy động vốn cụ thể cho từng cán bộ ngân hàng. Cũng như thường xuyên nâng cao chất lượng tín dụng, thực hiện phân loại, lựa chọn khách hàng và các dự án có hiệu quả để đầu tư. Phối hợp với các cơ sở, tổ chức hội, đoàn thể thực hiện tốt việc huy động và nguồn vốn cho vay đối với các hộ gia đình, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

Thời gian qua, Agribank Chi nhánh Phú Yên đã đồng hành cùng tam nông. Ảnh: KS.
Theo ông Thái, tính đến 31/5 dư nợ cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn của Agribank Chi nhánh Phú Yên đạt tỷ trọng 78,5% trên tổng dư nợ, tăng hơn 500 tỷ đồng so với đầu năm; với hơn 33.000 khách hàng đang vay vốn, chủ yếu là hộ sản xuất, hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa tại khu vực nông thôn.
“Nguồn vốn tín dụng từ Agribank đã thật sự đi vào đời sống, giúp nâng cao chất lượng cuộc sống người dân nông thôn, tạo điều kiện sản xuất, phát triển các mô hình kinh tế xanh, mô hình nông nghiệp sạch, liên kết chuỗi giá trị. Qua đó giúp các xã giảm dần tỷ lệ hộ nghèo và phát triển bền vững. Đồng thời, thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn về đường, điện, thủy lợi, trạm y tế…Người dân khu vực vùng sâu, vùng xa có cơ hội tiếp cận tín dụng thuận tiện hơn. Doanh nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp có điều kiện mở rộng sản xuất, tham gia thị trường xuất khẩu”, ông Thái chia sẻ.
Đặc biệt, sau thiên tai, dịch bệnh hoặc biến động kinh tế, Agribank Chi nhánh Phú Yên luôn đồng hành với người dân bằng các chính sách giảm lãi suất, cơ cấu lại nợ, cho vay mới với lãi suất ưu đãi, tạo “lực đỡ” ổn định sản xuất, đảm bảo an sinh xã hội.
Thời gian tới, Agribank Chi nhánh Phú Yên tiếp tục ưu tiên tín dụng tam nông trong cơ cấu dư nợ, nhằm mục tiêu hướng tới nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh.
Đồng thời, triển khai sản phẩm tín dụng phù hợp với đặc thù địa phương như mô hình kinh tế xanh, nuôi trồng thủy sản ven biển, OCOP, hợp tác xã…Mở rộng mạng lưới tiếp cận tín dụng, đẩy mạnh cho vay qua tổ vay vốn tại thôn, xã, cũng như tăng cường ứng dụng ngân hàng số tại khu vực nông thôn để tạo điều kiện tốt nhất cho người dân tiếp cận đồng vốn thuận lợi.
Ngoài ra, Agribank Chi nhánh Phú Yên cũng sẽ đẩy mạnh phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội, chính quyền địa phương trong tuyên truyền chính sách, giám sát vốn vay và hỗ trợ khách hàng sử dụng vốn hiệu quả. Tiếp tục điều chỉnh chính sách lãi suất linh hoạt, chia sẻ khó khăn với khách hàng khi gặp rủi ro bất khả kháng (thiên tai, dịch bệnh…).
Với truyền thống 37 năm xây dựng và phát triển, Agribank đang ngày càng thể hiện rõ vai trò và sứ mệnh phục vụ cộng đồng, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân. Những con số ấn tượng tại Phú Yên chỉ là một phần trong bức tranh rộng lớn mà Agribank đang miệt mài vẽ nên vì một nông thôn Việt Nam thịnh vượng, văn minh và bền vững.