Nhiều nhà đầu tư bị lừa đảo khi truy cập các ứng dụng giả mạo - Ảnh: AI
Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an thành phố Hà Nội cho hay nhận được đơn trình báo của 3 nạn nhân ở Hà Nội về việc bị lừa đảo khi gia đầu tư chứng khoán trên ứng dụng SKSVIP.
Sau vụ AJB DIRECT, mới đây nhất, một ứng dụng có tên SKSVIP đã bị phát hiện với thủ đoạn tương tự.
Lừa mua cổ phiếu giá rẻ bằng 1/5 giá thực tế
Cụ thể, ba nạn nhân tại Hà Nội vừa trình báo Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - Công an thành phố Hà Nội về việc bị lừa đảo khi đầu tư chứng khoán trên ứng dụng SKSVIP.
Theo trình báo, các nạn nhân được mời tham gia khóa học đầu tư chứng khoán online trên app SKSVIP. Ứng dụng này có giao diện giống hệt các website, ứng dụng chứng khoán chính thống, hiển thị đầy đủ mã cổ phiếu, chỉ số, mệnh giá như trên thị trường thực.
Người chơi sau đó được hướng dẫn mua - bán các cổ phiếu đang giao dịch trên sàn. Đặc biệt, các đối tượng thường "vẽ" ra những ưu đãi hấp dẫn gắn với các sự kiện của doanh nghiệp như kỷ niệm thành lập công ty hoặc tin nội bộ, nhằm mời chào nhà đầu tư mua cổ phiếu thưởng giá rẻ chỉ 7.000-10.000 đồng/cổ phiếu (bằng 1/4-1/5 giá trị thực tế).
Ban đầu, người tham gia có lợi nhuận và có thể rút một khoản nhỏ. Tin tưởng, ba nạn nhân tiếp tục nạp thêm tiền với hy vọng nhận được lợi nhuận cao hơn, tổng số tiền lên tới hơn 3,5 tỉ đồng.
Tuy nhiên, khi muốn rút tiền, họ bị yêu cầu đóng thêm tiền với nhiều lý do như vi phạm nguyên tắc giao dịch, phải nộp thuế hoặc phí thì mới rút được tiền về. Sau đó, tài khoản bị khóa, không thể thực hiện giao dịch.
Trước đó, bà H. (trú tại Hà Nội) cũng phản ánh việc bị dụ đầu tư tới 4 tỉ đồng vào cổ phiếu với cam kết lợi nhuận "khủng" lên tới 777% thông qua ứng dụng AJB DIRECT.
Ban đầu, tài khoản hiện lời đều nhưng khi rút tiền thì không thể thao tác, bị xóa khỏi nhóm và chặn liên hệ. Nền tảng này cũng hiển thị đầy đủ các chỉ số như VN-Index, HNX-Index, VN30-Index… giống hệt nền tảng thật.
Phó tổng giám đốc một công ty chứng khoán tại Hà Nội cho biết toàn bộ giao dịch trên các nền tảng giả mạo đều được lập trình sẵn, không có bất kỳ kết nối nào với thị trường chứng khoán thực tế nhưng lại hiển thị biến động giá giống như thật, khiến nhiều nhà đầu tư dễ dàng rơi vào bẫy.
"Chiêu thức quen thuộc là đưa ra lợi nhuận cao bất thường, lên tới hàng trăm phần trăm để dụ dỗ nhà đầu tư. Các app lừa đảo thường cho rút lãi nhỏ ban đầu để tạo niềm tin, rồi chiếm đoạt toàn bộ tiền lớn sau đó", vị lãnh đạo công ty chứng khoán cảnh báo.
Không nền tảng uy tín nào bán cổ phiếu thấp hơn giá khớp lệnh trên sàn
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Trương Hiền Phương - giám đốc cấp cao Chứng khoán KIS Việt Nam - cho biết các đối tượng lừa đảo thường thiết kế app giả mạo giống hệt app của công ty chứng khoán uy tín, khiến nhà đầu tư dễ sập bẫy.
Đặc biệt, chúng thường hứa hẹn bán cổ phiếu giá rẻ hơn thị trường - điều hoàn toàn không có thật. Vị này khẳng định, không nền tảng uy tín nào bán cổ phiếu thấp hơn giá khớp lệnh trên sàn.
Một đặc điểm nhận diện khác là hứa hẹn lợi nhuận cao nhưng rút tiền rất khó khăn. Ban đầu, nhà đầu tư có thể rút lãi nhỏ để tạo niềm tin nhưng khi nạp số tiền lớn, app sẽ khóa tài khoản hoặc yêu cầu đóng "phí rút tiền" rồi biến mất.
Ông cũng lưu ý, nhà đầu tư tuyệt đối không chuyển tiền vào tài khoản cá nhân. Công ty chứng khoán hợp pháp luôn yêu cầu nhà đầu tư chuyển tiền vào tài khoản định danh của chính mình tại ngân hàng lưu ký, không qua trung gian.
Ngoài ra, vị chuyên gia cảnh báo nhà đầu tư nên cảnh giác với công nghệ deepfake, vốn đang bị lợi dụng để tạo ra các cuộc gọi, livestream có hình ảnh của những gương mặt nổi tiếng.
"Không ít trường hợp, hình ảnh các lãnh đạo doanh nghiệp xuất hiện trước công chúng hoàn toàn là sản phẩm của trí tuệ nhân tạo", ông Phương nói.