Bảo hiểm thất nghiệp là hệ thống 'giảm sóc' cho người lao động

1 tháng trước kia 36
ARTICLE AD BOX

Trong bối cảnh thị trường lao động ngày càng nhiều biến động, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) trở thành một công cụ can thiệp thiết yếu nhằm bảo vệ và hỗ trợ người lao động. Để hiểu rõ hơn về vai trò, hiệu quả và những bất cập trong triển khai chính sách này, phóng viên đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội).

"Tấm đệm" cần thiết cho người lao động

Thưa PGS.TS Nguyễn Thị Lan Hương, đâu là mục tiêu cốt lõi của chính sách bảo hiểm thất nghiệp hiện nay?

Mục tiêu của bảo hiểm thất nghiệp chính là một dạng "can thiệp vào thị trường lao động" – hay còn gọi là labor market intervention. Đây không chỉ đơn thuần là việc hỗ trợ bằng tiền khi người lao động mất việc mà còn hướng đến việc giúp họ quay trở lại thị trường lao động.

Trước tiên, đó là hỗ trợ để họ có thể tái gia nhập thị trường lao động một cách nhanh chóng. Kế đến là đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng để người lao động đáp ứng được yêu cầu của các công việc mới. Ngoài ra, còn có tư vấn, giới thiệu việc làm phù hợp. Cuối cùng mới là các chế độ hỗ trợ như trợ cấp thất nghiệp. Đây là hệ thống giảm sóc – tức là giảm thiểu các thiệt hại khi người lao động gặp biến cố trong thị trường việc làm.

 NVCC.

Bà Hương nhấn mạnh chính sách bảo hiểm thất nghiệp là hệ thống giảm sóc – tức là giảm thiểu các thiệt hại khi người lao động gặp biến cố trong thị trường việc làm. Ảnh: NVCC.

Vậy bà đánh giá thế nào về hiệu quả của chính sách bảo hiểm thất nghiệp hiện nay?

Tôi cho rằng, chính sách bảo hiểm thất nghiệp hiện tại hiệu quả chưa cao, một phần vì phạm vi bao phủ còn thấp. Quy định hiện hành yêu cầu người lao động có hợp đồng từ 3 tháng trở lên mới được tham gia nên nhiều đối tượng lao động phi chính thức hoặc có thời hạn ngắn vẫn đứng ngoài cuộc. Mặt khác, chính sách mới chỉ áp dụng với người lao động bắt buộc, chưa mở rộng tới bảo hiểm xã hội tự nguyện cho nhóm lao động tự do – trong khi đây là lực lượng rất lớn.

Bên cạnh đó, chính sách bảo hiểm thất nghiệp hiện nay vẫn chưa thực sự hấp dẫn. Phần lớn mới chỉ dừng lại ở chức năng trợ cấp, chưa chú trọng đầu tư vào đào tạo nghề một cách bài bản, chuyên nghiệp. Trong khi đó, khi người lao động mất việc, thu nhập thay thế là cần thiết nhưng việc hỗ trợ họ tái hòa nhập thị trường lao động mới là yêu cầu quan trọng và cấp bách hơn. Cần nhìn nhận bảo hiểm thất nghiệp không chỉ là công cụ hỗ trợ trước mắt, mà còn là một trụ đỡ an sinh quan trọng, giúp người lao động yên tâm tham gia thị trường. Một hệ thống chính sách hiệu quả sẽ lan tỏa lợi ích, tạo động lực để người lao động chủ động và đầy đủ hơn trong việc tham gia bảo hiểm.

 'Bảo hiểm thất nghiệp không chỉ là công cụ hỗ trợ trước mắt mà còn là một trụ đỡ an sinh quan trọng, giúp người lao động yên tâm tham gia thị trường'. Ảnh minh họa.

Bà Hương khẳng định: "Bảo hiểm thất nghiệp không chỉ là công cụ hỗ trợ trước mắt mà còn là một trụ đỡ an sinh quan trọng, giúp người lao động yên tâm tham gia thị trường". Ảnh minh họa.

Bảo hiểm thất nghiệp có vai trò gì trong hệ thống an sinh xã hội?

Nó rất quan trọng trong cả ba giai đoạn an sinh. Thứ nhất là an sinh chủ động – khi người lao động vẫn đang làm việc, họ tham gia bảo hiểm là một cách chuẩn bị từ trước cho rủi ro có thể xảy ra. Thứ hai là an sinh khi gặp biến cố – đây là lúc bảo hiểm phát huy vai trò như một cứu cánh. Và thứ ba, bảo hiểm có tính chất chia sẻ – nghĩa là số đông bù số ít. Ví dụ tỷ lệ thất nghiệp chỉ khoảng 3%, thì 97% người đang có việc làm đóng bảo hiểm để hỗ trợ 3% đang gặp khó khăn. Đây là tinh thần đoàn kết xã hội rất cần thiết trong nền kinh tế thị trường.

Để bảo hiểm thất nghiệp thực sự là điểm tựa

Theo bà, chính sách cần điều chỉnh theo hướng nào để hiệu quả hơn?

Trước hết là phải mở rộng diện bao phủ. Muốn bảo hiểm phát huy đúng vai trò thì phải có số đông tham gia, từ đó mới có quỹ để vận hành. Thứ hai là cải thiện chính sách – vì ai cũng có khả năng mất việc nên chính sách cần đủ tốt để người ta thấy đáng để tham gia. Thứ ba là điều kiện đóng – hưởng phải linh hoạt, rõ ràng. Người lao động cần biết họ được gì, mất gì, chứ không thể cứ đóng mà không hiểu. Cuối cùng là tăng cường cơ chế giám sát – hạn chế tình trạng lạm dụng quỹ.

Bà có thể nói rõ hơn về vấn đề lạm dụng chính sách bảo hiểm thất nghiệp và giải pháp cho tình trạng này là gì?

Hiện có tình trạng một số người sau khi có việc làm mới vẫn tiếp tục hưởng trợ cấp thất nghiệp. Muốn hạn chế, phải tăng cường kết nối thông tin thị trường lao động – tức là giữa bên giới thiệu việc làm, doanh nghiệp và cơ quan bảo hiểm. Phải làm được cả tiền kiểm (kiểm tra trước khi chi) và hậu kiểm (kiểm tra sau khi chi). Nếu phát hiện sai phạm thì xử phạt nghiêm. Đồng thời cũng cần có cơ chế khuyến khích – tức là người đóng đầy đủ, chủ động tìm được việc sớm thì được thưởng. Có răn đe, có động viên thì mới có hiệu quả.

Bảo hiểm thất nghiệp không chỉ đơn thuần là việc hỗ trợ bằng tiền khi người lao động mất việc mà còn hướng đến việc giúp họ quay trở lại thị trường lao động. Ảnh minh họa.

Bảo hiểm thất nghiệp không chỉ đơn thuần là việc hỗ trợ bằng tiền khi người lao động mất việc mà còn hướng đến việc giúp họ quay trở lại thị trường lao động. Ảnh minh họa.

Trong thời gian tới, việc chuyển đổi mô hình chính quyền 2 cấp được cho là cơ hội lớn để thực hiện chính sách. Bà nghĩ sao về điều này? 

Tôi cho rằng đây là thời điểm rất thích hợp để thúc đẩy những cải cách thực chất trong việc xây dựng và thực thi chính sách xã hội. Việc tái cấu trúc mô hình chính quyền theo hướng tinh gọn, hiệu quả hơn không chỉ giúp nâng cao chất lượng điều hành, mà còn tạo điều kiện để phân rõ vai trò, chức năng của từng cấp trong hệ thống.

Trong đó, cấp xã – tuy không phải là chủ thể trực tiếp thực hiện chính sách – lại giữ vai trò rất quan trọng. Đây là nơi gần dân nhất, hiểu dân nhất, nên chính quyền xã có điều kiện thuận lợi để tuyên truyền, phổ biến chính sách tới người dân một cách sát thực, dễ hiểu. Họ cũng chính là lực lượng đầu tiên phát hiện những vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai tại cơ sở, đồng thời có thể báo cáo kịp thời để các cấp có thẩm quyền điều chỉnh, hoàn thiện chính sách cho phù hợp hơn với thực tiễn.

Ngoài ra, cấp xã còn đóng vai trò giám sát quá trình thực hiện chính sách, bảo đảm chính sách đến đúng đối tượng, đúng mục tiêu và hạn chế tiêu cực. Việc tăng cường năng lực, quyền hạn và cơ chế phối hợp cho cấp xã trong mô hình hai cấp là hoàn toàn cần thiết và hợp lý, giúp việc thực thi chính sách hiệu quả, kịp thời và sát với nhu cầu thực tế hơn.

Trân trọng cảm ơn bà!

Đọc toàn bộ bài viết