Biến cú sốc thuế đối ứng thành sức bật

1 tuần trước kia 5
ARTICLE AD BOX

Chia sẻ tại buổi gặp gỡ, trao đổi với các hội ngành nghề, doanh nghiệp TP.HCM về các khó khăn, tác động khi Mỹ áp thuế đối ứng đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam, chiều 8/4, các hiệp hội, doanh nghiệp cho biết, hiện nay, Chính phủ, các bộ ngành đã kịp thời, quyết liệt vào cuộc, giúp doanh nghiệp có lòng tin để giải quyết những khó khăn trước mắt.

 Nguyễn Thủy.

Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM chủ trì buổi gặp gỡ. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Nhiều doanh nghiệp cũng đã tự thân vận động, tìm kiếm những thị trường mới như Bắc Á, châu Âu, Trung Đông, kể cả thị trường trong nước. Tuy nhiên, các hiệp hội đề xuất Chính phủ xem xét đàm phán giảm mức thuế đối ứng, cũng như kéo giãn thời gian áp thuế từ 45 ngày đến 135 ngày để các doanh nghiệp có thời gian ứng phó.

Đồng thời, cần có sự hỗ trợ để các doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, chuyển giao công nghệ, hỗ trợ xúc tiến thương mại, tiếp cận thị trường mới, đẩy mạnh đầu tư công, để thu hút sự tham gia của các doanh nghiệp, gia tăng công nghiệp hỗ trợ, xây dựng chuỗi cung ứng của doanh nghiệp Việt Nam...

Ông Phạm Văn Việt, Phó Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP.HCM cho biết, có đến 70% doanh nghiệp trong ngành trên địa bàn TP.HCM xuất khẩu sang Mỹ. Hiện đơn hàng bắt đầu có dấu hiệu giảm từ giữa tháng 2.

"Nếu áp dụng mức thuế 46%, chúng tôi không thể cạnh tranh được", Phó Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP.HCM nói và đề xuất trong ngắn hạn mức thuế đối ứng áp dưới 25%, và kéo giãn thời gian áp thuế để các hàng hóa đang trên đường vào Mỹ không bị áp thuế. Đồng thời, giãn thuế VAT, hỗ trợ dòng vốn. 

Ông Nguyễn Khánh, Phó Chủ tịch Hội Da giày TP.HCM cho rằng, các doanh nghiệp trong ngành đều phản ánh "không thể chịu nổi và đang rất hoang mang, không biết làm thế nào", bởi nhiều đối tác đã đề nghị ngưng đơn hàng xuất sang Mỹ trong tháng 5 và chưa biết bao giờ mới bắt đầu xuất trở lại.

Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp logistics TP.HCM (HLA) cho rằng, nếu thị trường Mỹ bị ảnh hưởng, số lượng container xuất từ Việt Nam sang Mỹ sẽ sụt giảm đáng kể, không chỉ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp xuất khẩu mà ảnh hưởng cả chuỗi cung ứng hàng đi Mỹ, cũng như các doanh nghiệp trong chuỗi logistics.

Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp logistics TP.HCM đề xuất, cần đánh giá toàn diện về mức thiệt hại nếu không đàm phán được kết quả thuận lợi. Đồng thời, khuyến nghị tập trung vào top 10 mặt hàng lớn nhất xuất khẩu đi Mỹ để có các gói hỗ trợ cho từng mặt hàng khác nhau. 

 Nguyễn Thủy.

Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất, chiếm 55,5% tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và nội thất. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Về giải pháp cân bằng thương mại với Mỹ, ngoài việc khuyến khích tăng cường nhập khẩu gỗ nguyên liệu từ Mỹ, ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (HAWA) đề xuất xem xét sáng kiến thực hiện mẫu CO giữa Việt Nam - Mỹ để quản lý và có chính sách thuế 0% cho những sản phẩm sử dụng nguyên liệu gỗ nhập khẩu từ Mỹ để sản xuất ra thành phẩm và xuất khẩu ngược trở lại Mỹ.

Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) cho rằng, không còn sự lựa chọn nào khác, mà phải bình tĩnh đối mặt, nhập cuộc và có giải pháp cụ thể. Tuy nhiên, trong thời gian chờ đợi, để chống chịu được với mức thuế mới thì không có lựa chọn nào khác là cắt giảm chi phí.

Do vậy, Chủ tịch HUBA kiến nghị cần có sự đồng hành của cơ quan quản lý, các hiệp hội và doanh nghiệp để giảm chi phí, có dư địa chống chịu mức thuế mới. Ông cũng kiến nghị Sở Công Thương đề nghị Bộ Công Thương định kỳ giao ban hàng tuần thông tin, cập nhật tình hình đàm phán để doanh nghiệp có đánh giá tình hình, đưa ra giải pháp cho doanh nghiệp.

"Chúng ta phải chấp nhận cuộc chơi này bằng sự cố gắng của bản thân mình để tìm tất cả các giải pháp thông minh, linh hoạt", ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM nói và cho biết sẽ tham mưu cho Trung ương và TP.HCM để có những giải pháp hỗ trợ thiết thực cho doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay.

Theo PGS.TS Hoàng Công Gia Khánh, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TP.HCM, cần biến cú sốc thành sức bật, giúp tái cấu trúc để định hình lại vị thế Việt Nam trong thương mại toàn cầu. 

Điều kiện để chuyển đổi rủi ro thành cơ hội là ổn định kinh tế vĩ mô và chính trị - xã hội; lạm phát thấp, tỷ giá ổn định, nợ công an toàn. Chính phủ linh hoạt, hiệu quả và sát cánh cùng doanh nghiệp. Tận dụng xu thế mới của thế giới, chuyển đổi năng lượng sạch, kinh tế số, chuỗi cung ứng ngắn hạn và phát triển dịch vụ, công nghệ thông tin...

Đọc toàn bộ bài viết