Biến động giá dừa - Cảnh tỉnh cho sự phát triển thiếu nền tảng vững chắc

1 tuần trước kia 10
ARTICLE AD BOX
 Vương Thịnh.

Thông thường, giá dừa nguyên liệu khu vực miền Trung thường cao hơn giá dừa nguyên liệu khu vực miền Nam khoảng 10% do việc vận chuyển từ miền Trung đi Trung Quốc gần hơn. Ảnh: Vương Thịnh.

Từ năm 2022 đến giữa 2025, giá dừa nguyên liệu tại vườn tăng chóng mặt. Cụ thể, giá dừa khô ở miền Nam tăng từ 3.000 đồng/trái (năm 2022) lên 19.000 đồng/trái (giữa năm 2025); ở miền Trung, giá có thể cao hơn 10% nhờ lợi thế địa lý gần Trung Quốc.

"Mức giá cao này giúp nông dân tăng thu nhập, nhưng lại tạo gánh nặng lớn cho các doanh nghiệp chế biến sâu - những đơn vị cần nguyên liệu ổn định, lâu dài để giữ vững thị phần xuất khẩu. Trong khi đó, chi phí đầu vào tăng nhưng giá bán ra quốc tế không thể điều chỉnh tương ứng khiến lợi nhuận bị bào mòn.

Doanh nghiệp chế biến sâu là trụ cột tiêu thụ ổn định nhất cho nông dân. Nếu họ không trụ được thì chuỗi giá trị dừa sẽ bị phá vỡ”, ông Cao Bá Đăng Khoa nói.

Với hơn 200.000 ha diện tích dừa trải dài trên 25 tỉnh thành từ Quảng Trị đến Cà Mau, mỗi năm Việt Nam thu hoạch được sản lượng khoảng 2 triệu tấn. Đây là nguồn nguyên liệu giá trị khi được thiên nhiên ưu đãi. 

Bên cạnh đó, số lượng nhà máy chế biến cũng tăng mạnh từ chỉ 8 nhà máy năm 2015 lên đến 45 nhà máy vào năm 2024, trong đó có nhiều doanh nghiệp đầu tư công nghệ hiện đại, đạt chuẩn quốc tế như Betrimex, Lương Quới, Beinco, VietWorld, ACP...

Theo ông Cao Bá Đăng Khoa, Tổng thư ký Hiệp hội Dừa Việt Nam, từ năm 2018 trở lại đây, ngành dừa Việt đã có bước tiến đáng kể khi tích cực tham gia các hội chợ quốc tế, xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường xuất khẩu. Các sản phẩm từ dừa ngày càng được đánh giá cao, đặc biệt tại các thị trường khó tính như Mỹ, Trung Quốc, châu Âu và Trung Đông.

Đại diện Hiệp hội Dừa Việt Nam cho biết, 3 nguyên nhân chính đẩy giá dừa biến động mạnh là do ảnh hưởng bởi khí hậu và dịch hại; xuất khẩu tiểu ngạch ồ ạt; hút từ thị trường quốc tế.

Phân tích kỹ hơn về những nguyên nhân này, đại diện Hiệp hội Dừa Việt Nam cho biết, biến đổi khí hậu khiến cây dừa trổ hoa nhưng khó đậu trái, thời gian thu hoạch kéo dài tới 13 tháng thay vì 10-11 tháng như trước. Thiếu nước sông Mekong gây xâm nhập mặn, sâu bệnh (như đuông dừa, bọ cánh cứng, sâu đầu đen) bùng phát khiến năng suất giảm mạnh.

Song song đó, các thương lái thu gom dừa khô, dừa sọ để xuất sang Trung Quốc, Ấn Độ, Israel, Campuchia... khiến nguồn cung trong nước thiếu hụt. Giá tăng do cạnh tranh mua nguyên liệu, trong khi các công đoạn sơ chế lại được thực hiện ở nước ngoài, làm giảm giá trị gia tăng trong nước.

Thêm vào đó, việc Mỹ và Trung Quốc lần lượt cho phép nhập khẩu chính ngạch dừa tươi Việt Nam tạo ra “làn sóng” xuất khẩu. Nhu cầu tăng nhanh khiến doanh nghiệp và thương lái đổ xô tìm nguồn cung, góp phần đẩy giá lên cao đột biến.

Trước áp lực giá nguyên liệu không ổn định, một số doanh nghiệp lớn bắt đầu tính đến chuyện đầu tư sang nước khác như Indonesia, Philippines - nơi có vùng nguyên liệu lớn, giá ổn định hơn và chính sách hỗ trợ tốt hơn từ nhà nước.

Trong khi đó, các quốc gia như Philippines, Indonesia đã thiết lập quỹ phát triển ngành dừa quốc gia, hỗ trợ tín dụng, phân bón và liên kết chuỗi hiệu quả, điều mà ngành dừa Việt Nam vẫn còn thiếu.

Theo ông Cao Bá Đăng Khoa, từ ngày 16/6, giá dừa nguyên liệu bắt đầu giảm khoảng 30% do nguồn dừa nguyên liệu nhập khẩu từ Indonesia; và việc lo ngại Chính phủ Việt Nam có thể áp thuế xuất khẩu dừa thô khiến các doanh nghiệp nhập khẩu e ngại ký các đơn hàng lâu dài. Mặt khác, bước vào mùa mưa nên năng suất dừa phục hồi nhẹ. 

Tuy nhiên, theo Hiệp hội Dừa Việt Nam, đây chỉ là đợt giảm giá tạm thời, không thể xem là dấu hiệu ổn định lâu dài. Nếu không có giải pháp căn cơ, giá dừa sẽ còn tiếp tục bất ổn.

Trước thực trạng đó, Hiệp hội Dừa Việt Nam đề xuất, xây dựng vùng nguyên liệu theo tiêu chuẩn bền vững; Kiểm soát xuất khẩu nguyên liệu thô; Hỗ trợ kỹ thuật, phân bón, tín dụng cho nông dân; Thúc đẩy liên kết chặt chẽ giữa nông dân - doanh nghiệp - nhà nước.

“Phát triển ngành dừa không thể chỉ dựa vào giá cao nhất thời. Cần một chiến lược lâu dài để hài hòa lợi ích giữa nông dân, doanh nghiệp và thị trường”, ông Khoa nhấn mạnh.

Biến động giá dừa là một lời cảnh tỉnh cho ngành hàng đang phát triển nhanh nhưng thiếu nền tảng vững chắc. Chỉ khi nào chuỗi cung ứng nguyên liệu được ổn định, doanh nghiệp chế biến yên tâm đầu tư, thì ngành dừa Việt Nam mới có thể phát triển bền vững, tiến xa hơn trên thị trường quốc tế.

Đọc toàn bộ bài viết