Thị trường chứng khoán tăng điểm thời gian qua nhờ "công lớn" của nhóm cổ phiếu Vingroup - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Trong phiên sáng nay 22-5, VN-Index mở cửa đã giảm gần 5 điểm, lùi về vùng 1.318 điểm. Tuy nhiên, chỉ số sau đó nhanh chóng hồi phục lại.
Sự phân hóa diễn ra ở nhiều nhóm ngành, trong đó có bất động sản. Trong khi NVL, KBC, CII, VIC vẫn giữ được sắc xanh. Ngược lại, các mã như DIG, VRE, CEO, DXG chịu áp lực điều chỉnh.
Dù kết phiên sáng tăng 9 điểm nhưng riêng ba mã VHM, VIC và HVN đã đóng góp tới 8,7 điểm vào chỉ số. Chứng khoán "xanh vỏ đỏ lòng" khi bên giảm điểm lấn át hơn với gần 350 mã đỏ. Thanh khoản cũng giảm khoảng 15% so với phiên sáng hôm trước.
Sang phiên chiều, đà tăng không được duy trì khi hầu hết cổ phiếu trong rổ VN30 đều suy yếu. Áp lực bán từ nhóm cổ phiếu trụ khiến VN-Index giảm hơn 9 điểm.
Đặc biệt cổ phiếu VIC của Vingroup từ vai trò "gồng gánh" thị trường trong phiên sáng đã chuyển thành một trong top 10 cổ phiếu gây áp lực giảm điểm vào buổi chiều. Mã VPL còn giảm tới 6,12%, lùi về 92.000 đồng/cổ phiếu.
Nhóm ngân hàng cũng ghi nhận xu hướng giảm giá diện rộng. Cổ phiếu STB của Sacombank giảm 1,67%, còn 41.100 đồng/cổ phiếu trong bối cảnh ngân hàng đã công bố thông tin thay đổi nhân sự cấp cao.
Ông Nguyễn Thanh Nhung sẽ đảm nhiệm vị trí quyền tổng giám đốc Sacombank từ ngày 27-5, thay bà Nguyễn Đức Thạch Diễm. Ông Nhung là người có kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng, từng là tổng giám đốc Vietbank giai đoạn 2014-2020.
Dù VN-Index giảm điểm, một tín hiệu tích cực là thanh khoản thị trường vẫn duy trì ở mức cao, với tổng giá trị giao dịch trên sàn HOSE đạt 26.400 tỉ đồng, tăng so với phiên trước.
Đáng chú ý đây là phiên thứ hai liên tiếp khối ngoại quay lại mua ròng, dù giá trị chỉ đạt 61 tỉ đồng. Tính từ đầu tháng 5 đến nay, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng hơn 4.400 tỉ đồng, tập trung vào các mã ngân hàng như MBB, CTG, cùng với cổ phiếu bán lẻ MWG, PNJ, và bất động sản như VIC, NLG.
Chứng khoán tăng điểm, "công lớn" nhờ VIC của Vingroup
Giới phân tích nhận định thị trường đang phân hóa mạnh khi VN-Index trở lại vùng giá trước thời điểm công bố thông tin về thuế quan. Một phần lực hỗ trợ đến từ đà tăng giá ấn tượng của cổ phiếu VIC, từ vùng 41.000-45.000 đồng lên gần vùng đỉnh 96.000-110.000 đồng, tương đương mức giá cao nhất trong các năm 2018, 2019 và 2021.
Hiện vốn hóa toàn thị trường đạt khoảng 300 tỉ USD và VN-Index đang tiến sát vùng đỉnh thiết lập hồi tháng 3-2025.
Theo nhận định của các chuyên gia tại Chứng khoán SHS, đây là vùng kháng cự rất mạnh. Để bứt phá, thị trường cần có động lực tăng trưởng rõ rệt từ yếu tố cơ bản. Vì vậy, việc giải ngân mới ở vùng giá hiện tại cần thận trọng, chọn lọc kỹ lưỡng theo từng doanh nghiệp.
Một thống kê của nền tảng giao dịch chứng chỉ quỹ Fmarket cũng chỉ ra, đến nay thị trường có đến 20 quỹ cổ phiếu đang khiến nhà đầu tư thua lỗ.
Trong đó một số đơn vị quản lý vốn dẫn đầu hiệu suất trên thị trường thời gian trước, nhưng lại chật vật hơn ở thời điểm hiện tại. Thậm chí có quỹ còn ghi mức âm NAV (tài sản ròng) hai con số.