Nhà máy tại tỉnh Tây Ninh có quy mô lớn nhất của Coca-Cola ở Việt Nam do Tập đoàn Swire Coca-Cola (Mỹ, Anh) cùng đầu tư - Ảnh: H.P
Việc nhiều doanh nghiệp quốc tế mở rộng quy mô, khánh thành nhà máy mới cho thấy niềm tin ngày càng lớn vào môi trường đầu tư Việt Nam, đồng thời khẳng định vị thế hấp dẫn của nước ta trong khu vực.
Lợi nhuận hấp dẫn từ thị trường Việt Nam
Sau 31 năm tham gia thị trường, ngày 11-7, Công ty TNHH Nước Giải Khát Coca-Cola Việt Nam khánh thành nhà máy mới tại Khu công nghiệp Phú An Thạnh, huyện Bến Lức, tỉnh Tây Ninh.
Dự án có tổng vốn đầu tư 136 triệu USD này trở thành cơ sở sản xuất lớn nhất của Coca-Cola tại Việt Nam, với công suất thiết kế đạt 1 tỉ lít sản phẩm mỗi năm.
Bà Milly Cheng - tổng giám đốc Coca-Cola Việt Nam, nói cơ sở này là đã "thể hiện niềm tin của chúng tôi vào tiềm năng tăng trưởng to lớn của thị trường Việt Nam và cam kết đầu tư lâu dài".
Kể từ đầu năm 2023, Coca-Cola Việt Nam trở thành công ty thành viên của Swire Coca-Cola Limited, đơn vị thuộc sở hữu của Tập đoàn Swire Pacific (Anh). Swire Coca-Cola hiện là đối tác đóng chai lớn thứ năm toàn cầu của Tập đoàn Coca-Cola tính theo sản lượng và đang vận hành tại nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ như Trung Quốc, Đài Loan, Campuchia, Việt Nam…
Việc mua lại Coca-Cola Việt Nam nằm trong chiến lược mở rộng hoạt động tại khu vực Đông Nam Á, nơi có hơn 650 triệu dân, sau khi tập đoàn này đã thâu tóm một công ty nước giải khát tại Campuchia trước đó.
Tại Việt Nam, Swire Pacific không chỉ tham gia lĩnh vực nước giải khát mà còn hiện diện trong lĩnh vực bất động sản thông qua Swire Properties.
Trong khi đó, Coca-Cola Việt Nam đang vận hành ba nhà máy tại TP.HCM, Đà Nẵng và Hà Nội, tạo việc làm trực tiếp và gián tiếp cho khoảng 4.000 lao động.
Theo báo cáo thường niên từ Swire Pacific, tỉ suất lợi nhuận trước lãi vay, thuế, khấu hao và khấu trừ (EBITDA) năm 2024 từ thị trường Việt Nam và Campuchia đạt khoảng 13,2%.
Trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt và chi phí sản xuất biến động, ông Guy Bradley, Chủ tịch Swire Pacific - cho biết tập đoàn đặt mục tiêu tăng trưởng doanh thu và tối ưu hóa hiệu quả chi phí để đảm bảo lợi nhuận ổn định tại Việt Nam trong năm 2025.
Kỳ vọng củng cố vị thế Việt Nam
Ngoài Coca-Cola, Việt Nam cũng liên tục đón nhận thêm các khoản đầu tư quy mô lớn trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, hướng tới phát triển bền vững.
Vào giữa tháng 6, Tập đoàn SYRE (Thụy Điển) đã được trao chứng nhận đầu tư cho tổ hợp sản xuất và tái chế vải polyester tại tỉnh Bình Định (cũ), với tổng vốn đầu tư lên tới 1 tỉ USD.
Dự án được kỳ vọng đạt công suất từ 150.000 đến 250.000 tấn PET/năm, đồng thời đóng góp tích cực vào mục tiêu chuyển đổi xanh trong lĩnh vực có kim ngạch xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam là ngành công nghiệp dệt may.
Theo Cục Thống kê (Bộ Tài chính), tổng vốn đầu tư đăng ký mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài trong 6 tháng đầu năm 2025 đạt 21,52 tỉ USD, tăng 32,6% so với cùng kỳ, là mức cao nhất kể từ năm 2009.
Việc các dự án hiện hữu được mở rộng gần đây cho thấy Việt Nam không chỉ là một điểm đến mới hấp dẫn, mà còn là thị trường tiềm năng, có sự ổn định chính sách cao.
Sau khi tăng ba năm liên tiếp và đạt 25,4 tỷ USD vào năm 2024, Chính phủ đã đặt mục tiêu thu hút từ 27 đến 28 tỉ USD FDI thực hiện trong năm 2025, đồng thời kỳ vọng thu hút 38 đến 40 tỉ USD vốn FDI đăng ký.
Niềm tin vào môi trường đầu tư tại Việt Nam được hỗ trợ từ các hiệp định thương mại tự do đã ký kết.
Theo khảo sát Chỉ số Niềm tin Kinh doanh quý 2-2025 của Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), gần một nửa số doanh nghiệp châu Âu hoạt động tại Việt Nam đang tận dụng các điều khoản EVFTA ở mức độ vừa phải đến rộng rãi.
Việc cắt giảm thuế quan theo lộ trình kéo dài 10 năm trong EVFTA đang tạo ra lợi ích rõ rệt không chỉ cho doanh nghiệp mà cả người tiêu dùng, nhờ giá thành giảm và tính cạnh tranh tăng. Xu hướng ghi nhận các lợi ích từ hiệp định này ngày càng tăng, là một yếu tố củng cố niềm tin dài hạn của nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.