Ngành thép Việt Nam đối mặt với nhiều khó khăn từ hàng rào thuế quan - Ảnh: AI/BÌNH KHÁNH
Mỹ áp thuế sơ bộ 40-88% đối với thép mạ Việt
Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) công bố kết luận sơ bộ trong cuộc điều tra chống bán phá giá (CBPG) đối với sản phẩm thép mạ nhập khẩu từ 10 quốc gia và vùng lãnh thổ, bao gồm Việt Nam.
Trong đó, Tập đoàn Hoa Sen (HoSE: HSG) chịu mức thuế cao nhất với biên độ 59%, Tôn Đông Á (UPCoM: GDA) bị áp mức thấp hơn là 39,84%, còn các doanh nghiệp lớn như China Steel & Nippon Steel Việt Nam, Tôn Hòa Phát (thuộc Tập đoàn Hòa Phát - HPG) và Nam Kim Steel (HoSE: NKG) đều bị áp mức thuế đồng đều 49,42%. Các doanh nghiệp còn lại không được liệt kê riêng sẽ áp dụng mức thuế chung 88,12%.
Doanh nghiệp đã lên tiếng, phân tích nguyên nhân và cho rằng việc áp thuế này khó có thể gây thêm ảnh hưởng tiêu cực, đồng thời khẳng định vẫn còn cơ hội để bảo vệ lợi ích của mình.
Tránh hiểu nhầm thép mạ bị đánh thuế 3 lần
Cung cấp thông tin về mức thuế sơ bộ của Bộ Thương mại Hoa Kỳ, phía Tập đoàn Hoa Sen cho biết cần làm rõ "tránh hiểu nhầm rằng thép mạ Việt Nam bị đánh thuế ba lần gồm thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp, thuế đối ứng".
Theo kết quả sơ bộ từ cuộc điều tra chống bán phá giá do Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) khởi xướng đối với các sản phẩm tôn thép mạ kẽm, mạ lạnh và mạ màu xuất khẩu từ Việt Nam sang Hoa Kỳ, tất cả các doanh nghiệp thép Việt Nam đều bị áp dụng mức thuế chống bán phá giá sơ bộ rất cao, vượt ngưỡng 39%.
Nguyên nhân chính xuất phát từ phương pháp tính toán đặc thù mà DOC áp dụng đối với các quốc gia chưa được Hoa Kỳ công nhận là "nền kinh tế thị trường" như Việt Nam.
Phần lớn doanh nghiệp thép Việt, bao gồm Hoa Sen (HSG) đã tạm dừng xuất khẩu sang thị trường Mỹ từ nhiều tháng trước - Ảnh: HSG
Theo quy định của Hoa Kỳ, vì Việt Nam chưa được công nhận là nền kinh tế thị trường nên DOC không sử dụng chi phí sản xuất do các doanh nghiệp Việt Nam cung cấp.
Thay vào đó, DOC áp dụng chi phí thay thế từ một quốc gia thứ ba có nền kinh tế thị trường để làm cơ sở tính toán biên độ phá giá của các doanh nghiệp Việt Nam.
Việc sử dụng giá trị thay thế từ quốc gia thứ ba thường dẫn đến chênh lệch lớn giữa giá thành sản xuất thực tế tại Việt Nam và chi phí sản xuất "thay thế", từ đó đẩy biên độ phá giá lên mức cao và kéo theo mức thuế chống bán phá giá bất lợi cho doanh nghiệp.
Hiện tại, DOC vẫn chưa công bố quốc gia thay thế cũng như phương pháp tính toán cụ thể. Tuy nhiên, theo quy trình điều tra, các thông tin này sẽ được công khai trong giai đoạn tiếp theo, tạo cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam phản biện, cung cấp dữ liệu, và đưa ra các lập luận để làm rõ sự khác biệt về chi phí và điều kiện sản xuất tại Việt Nam so với quốc gia thay thế, nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Cần lưu ý rằng DOC đã khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm tôn thép mạ kẽm, mạ lạnh và mạ màu từ Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ kể từ tháng 9-2024.
Từ thời điểm đó, hoạt động xuất khẩu thép mạ sang thị trường Hoa Kỳ đã gặp nhiều gián đoạn do tâm lý thận trọng từ phía khách hàng Hoa Kỳ trước nguy cơ bị hồi tố thuế chống bán phá giá.
"Từ khi Mỹ khởi xướng điều tra chống trợ cấp (CVD) và AD (chống bán phá giá) từ tháng 9 năm 2024, các doanh nghiệp Mỹ đã không còn mua tôn mạ Việt Nam nữa vì hồ sơ bị truy thu thuế CVD và thuế AD.
Sản lượng hàng của doanh nghiệp từ tháng 10-2024 đến nay vẫn ổn dù không xuất khẩu đi Mỹ" - một lãnh đạo công ty thép tại Việt Nam nói với Tuổi Trẻ Online.
Cùng với vụ điều tra chống bán phá giá, DOC đang tiến hành điều tra chống trợ cấp đối với tôn thép mạ kẽm, mạ lạnh và mạ màu từ Việt Nam. Khi các doanh nghiệp thép Việt Nam xuất khẩu thép mạ sang Hoa Kỳ, mức thuế cuối cùng sẽ là tổng cộng của thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp.
Phía Tập đoàn Hoa Sen cho rằng hiện kết quả sơ bộ của vụ việc chống trợ cấp đang mang lại tín hiệu tích cực, khi hai doanh nghiệp thép Việt Nam là Tập đoàn Hoa Sen và Tôn Đông Á đạt được mức thuế chống trợ cấp sơ bộ bằng 0%.
Ngày 2-4-2025, Hoa Kỳ cũng ban hành sắc lệnh áp thuế đối ứng lên hàng hóa nhập khẩu từ nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, với mức thuế công bố lên tới 46%.
Tuy nhiên, sản phẩm tôn thép từ Việt Nam không thuộc diện áp dụng mức thuế đối ứng này do đã bị áp thuế 25% theo Mục 232 từ ngày 8-3-2018 cho đến nay.
Do đó, phía Tập đoàn Hoa Sen và doanh nghiệp tôn mạ cho rằng tránh hiểu nhầm thép mạ Việt Nam bị đánh thuế ba lần.