Hiện thực ước mơ xây dựng vùng chè sạch, hữu cơ

1 tuần trước kia 13
ARTICLE AD BOX

THÁI NGUYÊN Chị Bùi Thị Mai đang từng bước hiện thực ước mơ xây dựng vùng chè hữu cơ ở Hoàng Nông, tạo ra sản phẩm trà chất lượng cao, đáp ứng thị trường khó tính.

 Thanh Tiến.

Chị Bùi Thị Mai bên vườn chè được sản xuất hoàn toàn hữu cơ. Ảnh: Thanh Tiến.

Tuổi thơ ám ảnh với vườn chè hóa chất

Sinh ra và lớn lên giữa những nương chè xanh ngát của Đại Từ (Thái Nguyên), cây chè như một phần máu thịt, khắc sâu vào ký ức tuổi thơ chị Bùi Thị Mai (sinh năm 1990). Thế nhưng đằng sau vẻ đẹp thơ mộng ấy lại là những kỷ niệm chẳng mấy êm đềm, thậm chí là nỗi ám ảnh về loài cây đã làm nên danh tiếng cho vùng đất Hoàng Nông.

Gia đình neo người, chị Mai đã quen với việc theo chân cha mẹ lên đồi chè từ khi mới lên ba, lên bốn. Chiếc tải đầu luống là sân chơi, hoa chè, quả chè non là đồ hàng. Lớn hơn chút nữa, những luống chè lại là nơi cô bé Mai thường xuyên khóc thét vì ong chích, bọ nét đốt hay sâu róm tấn công trong những buổi bắt dế cùng bạn bè. Tuổi thơ Mai còn gắn liền với hình ảnh cha mẹ lam lũ, còng lưng trên đồi chè, từ hái chè đổi công, hái thuê đến nhổ cỏ bằng tay dưới nắng mưa để trang trải cuộc sống. "Ngày đó, người dân mình làm chè thủ công hoàn toàn. Nhìn bố mẹ vất vả mà thương lắm", chị Mai bồi hồi nhớ lại.

 Thanh Tiến.

Nghề chè mang lại thu nhập ổn định cho hàng trăm hộ dân ở Hoàng Nông. Ảnh: Thanh Tiến.

Ấp ủ ước mơ trở thành cô giáo, Mai rời quê đi học đại học, chưa từng nghĩ sẽ có ngày quay về gắn bó với cây chè. Thế nhưng mỗi lần về thăm nhà, cô gái trẻ lại thấy những đổi thay đáng lo ngại trên các đồi chè. Cỏ dại gần như biến mất, những loài côn trùng quen thuộc như giun, dế, bọ nẹt cũng thưa vắng lạ thường. Qua tìm hiểu, chị nhận ra người dân quê mình đã lạm dụng thuốc hóa học, từ thuốc trừ cỏ đến thuốc bảo vệ thực vật để giảm bớt công lao động, tăng năng suất chè búp.

Tốt nghiệp năm 2011, Mai thực hiện được ước mơ đứng trên bục giảng. Song tình yêu gia đình và nỗi trăn trở về thực trạng canh tác chè ở quê nhà cứ thôi thúc cô. Cây chè vốn gắn bó với đất Đại Từ từ những năm 60 của thế kỷ trước, mang lại thu nhập tuy không cao nhưng ổn định, nay đứng trước nguy cơ suy kiệt. Lối canh tác chạy theo sản lượng, lạm dụng phân bón hóa học, thậm chí cả thuốc kích mầm đã khiến đất đai ngày càng bạc màu, sức khỏe nông dân bị đe dọa.

 Thanh Tiến.

Sản xuất chè hữu cơ là hướng đi cần thiết để bảo vệ vùng "đệ nhất danh trà". Ảnh: Thanh Tiến.

Hiện thực hóa vùng chè hữu cơ

Đầu năm 2025, chị Mai quyết định gác lại sự nghiệp giảng dạy, trở về quê thành lập Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp và Du lịch Mây Sườn Đông. Không chỉ phát triển du lịch cộng đồng với những homestay bình dị, mộc mạc thu hút du khách nước ngoài, chị còn thực hiện việc mở rộng vùng chè canh tác hoàn toàn không hóa chất, vốn đã được áp dụng trong quy mô nhỏ trong vài năm qua ngay trên mảnh đất xã Hoàng Nông, huyện Đại Từ.

Với 7 thành viên và liên kết cùng 10 hộ dân trên tổng diện tích gần 10ha, HTX Mây Sườn Đông bắt đầu hành trình “xanh hóa” cây chè. Chị Mai kiên trì vận động, hướng dẫn bà con chuyển đổi sang phương pháp canh tác hữu cơ. Phân bón hóa học được thay thế bằng phân hữu cơ ủ hoai mục; thuốc trừ sâu hóa học nhường chỗ cho các chế phẩm sinh học từ thảo mộc. Đặc biệt, chị khuyến khích bà con giữ lại thảm cỏ tự nhiên trong vườn chè, coi đó là “ngôi nhà” của thiên địch, giúp cân bằng hệ sinh thái và giữ ẩm cho đất. Nếu cần làm cỏ, các phương pháp thủ công bằng tay hoặc máy phát cỏ sẽ được ưu tiên.

 Thanh Tiến.

Quy trình sản xuất hữu cơ đang mang đến những tín hiệu tích cực cho vùng chè Hoàng Nông. Ảnh: Thanh Tiến.

Chị chia sẻ: “Chúng tôi cam kết bao tiêu toàn bộ sản phẩm chè búp tươi của bà con với giá ổn định quanh năm là 40.000 đồng/kg nếu bà con tuân thủ nghiêm ngặt quy trình canh tác hữu cơ. Đây là mức giá không chỉ hấp dẫn mà còn mang lại sự ổn định vượt trội so với phương thức canh tác truyền thống giá chè bấp bênh theo mùa vụ, có lúc rớt xuống chỉ còn 15.000 đồng/kg vào mùa cao điểm khiến nông dân thua lỗ, thậm chí phải ngậm ngùi đốn bỏ những lứa chè đang độ thu hoạch".

Sự kiên định và tâm huyết của chị Mai cùng các cộng sự đã bắt đầu gặt hái những thành quả đáng khích lệ. HTX Mây Sườn Đông đã cho ra đời nhiều dòng sản phẩm trà xanh, hồng trà chất lượng cao với mức giá từ 600.000 đồng/kg trở lên. Tiếng lành đồn xa, chất lượng chè sạch, an toàn của HTX đã chinh phục được nhiều khách hàng khó tính. Dù vậy, nguồn cung hiện vẫn chưa thể đáp ứng hết nhu cầu ngày càng tăng của thị trường.

 Thanh Tiến.

HTX Mây Sườn Đông đầu tư hệ thống máy móc chế biến chè khá hiện đại. Ảnh: Thanh Tiến.

“Mới đây, có một đối tác từ Mỹ đặt hàng với sản lượng lên đến 40 tấn/tháng nhưng chúng tôi đành phải từ chối vì chưa đủ năng lực sản xuất. Với diện tích hiện có, HTX chủ yếu tập trung vào sản xuất quy mô vừa và nhỏ, phục vụ các khách hàng thân thiết và những người thực sự trân quý giá trị của trà hữu cơ”, chị Mai chia sẻ với một chút tiếc nuối.

Trong năm 2025, HTX Mây Sườn Đông đặt mục tiêu xây dựng thành công sản phẩm OCOP. Đây là bước đi chiến lược nhằm khẳng định thương hiệu, quảng bá rộng rãi sản phẩm trà sạch và nâng cao giá trị cho cây chè địa phương.

 Thanh Tiến.

HTX Mây Sườn Đông sẽ xây dựng các sản phẩm OCOP từ trà trong năm 2025. Ảnh: Thanh Tiến.

Quan trọng hơn cả những lợi ích kinh tế, hành trình kiến tạo vùng chè không hóa chất của chị Bùi Thị Mai và HTX Mây Sườn Đông đã mang lại những giá trị vô hình to lớn. Người dân trực tiếp tham gia canh tác không còn phải đối mặt với nguy cơ phơi nhiễm hóa chất độc hại, sức khỏe của họ và gia đình được bảo vệ.

Đất đai bạc màu dần được phục hồi, trở nên tơi xốp và giàu dinh dưỡng hơn. Người tiêu dùng có cơ hội thưởng thức những tách trà thuần khiết, an toàn. Và trên hết, phương pháp canh tác bền vững này đang góp phần bảo vệ môi trường, gìn giữ nguồn nước, đất đai, kiến tạo một vùng chè xanh, sạch, đẹp, hứa hẹn trở thành điểm đến hấp dẫn cho du khách yêu thích trải nghiệm nông nghiệp và du lịch sinh thái.

Từ một cô bé từng “sợ chè”, chị Bùi Thị Mai đang tiên phong thực hiện giấc mơ về những đồi chè không hóa chất, nơi con người và thiên nhiên chung sống hài hòa. Hành trình của HTX Mây Sườn Đông không chỉ mở ra hướng đi mới cho vùng chè xã Hoàng Nông mà còn lan tỏa cho nhiều địa phương khác trên vùng đất "đệ nhất danh trà" Thái Nguyên.

Đọc toàn bộ bài viết