Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc vừa ký Quyết định số 992/QĐ-TTg ngày 22/5/2025 kiện toàn Hội đồng tiền lương quốc gia. Đây là cơ quan có vai trò quan trọng trong việc nghiên cứu, thương lượng và khuyến nghị với Chính phủ về phương án điều chỉnh mức lương tối thiểu, phù hợp với thực tiễn sản xuất – kinh doanh và mức sống của người lao động.
Theo đó, hội đồng có 17 thành viên. Chủ tịch Hội đồng tiền lương quốc gia là Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Mạnh Khương.

Ông Nguyễn Mạnh Khương, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Chủ tịch Hội đồng tiền lương quốc gia. Ảnh: Hoài Thơ.
Các Phó Chủ tịch hội đồng gồm: Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Đinh Hồng Thái.
Hội đồng có cơ cấu thành phần đại diện cho cả ba bên: cơ quan nhà nước, tổ chức của người lao động và tổ chức của người sử dụng lao động, cùng với sự tham gia của các chuyên gia độc lập có chuyên môn sâu trong lĩnh vực lao động, tiền lương, kinh tế – xã hội.
Hội đồng được tổ chức với các bộ phận chuyên trách, gồm Bộ phận kỹ thuật và Bộ phận thường trực giúp việc. Trong đó, với vai trò là cơ quan tư vấn chính sách, Hội đồng có nhiệm vụ tổ chức nghiên cứu, khảo sát, phân tích các yếu tố liên quan đến tiền lương như mức sống tối thiểu, thị trường lao động, việc làm, thất nghiệp, tình hình sản xuất – kinh doanh của doanh nghiệp và quan hệ cung – cầu lao động trong nền kinh tế. Từ đó, Hội đồng xây dựng báo cáo về mức lương tối thiểu gắn với các tiêu chí được quy định tại Bộ luật Lao động, đồng thời rà soát lại mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ, phân vùng địa bàn để làm cơ sở đề xuất phương án điều chỉnh tiền lương tối thiểu cho từng thời kỳ.
Hằng năm, Hội đồng tổ chức thương lượng giữa các bên để thống nhất khuyến nghị gửi Chính phủ về mức lương tối thiểu vùng – bao gồm cả mức lương tối thiểu theo tháng và theo giờ. Không chỉ dừng lại ở vai trò xác lập lương tối thiểu, Hội đồng còn có chức năng tư vấn, khuyến nghị về các chính sách tiền lương chung đối với người lao động trong mọi loại hình doanh nghiệp, hợp tác xã và các tổ chức khác theo quy định của pháp luật.
Từ khi được thành lập năm 2013, Hội đồng tiền lương quốc gia đã hoạt động hiệu quả trong việc tham mưu, kiến nghị chính sách lương phù hợp với biến động của nền kinh tế và yêu cầu phát triển bền vững của thị trường lao động. Tính từ năm 2009 đến nay, lương tối thiểu vùng đã được điều chỉnh tổng cộng 16 lần, góp phần từng bước nâng cao đời sống người lao động, đồng thời tạo sự chủ động cho doanh nghiệp trong hoạch định nhân sự và kế hoạch tài chính.
Lần điều chỉnh gần nhất có hiệu lực từ ngày 1/7/2024 theo Nghị định 74/2024/NĐ-CP của Chính phủ, với mức tăng 6% so với trước đó. Cụ thể, mức lương tối thiểu theo tháng được quy định như sau: vùng I là 4,96 triệu đồng, vùng II là 4,41 triệu đồng, vùng III là 3,86 triệu đồng và vùng IV là 3,45 triệu đồng. Cùng với đó, danh mục các địa bàn áp dụng theo từng vùng cũng được cập nhật rõ ràng nhằm đảm bảo tính minh bạch và đồng bộ trong triển khai.
Việc kiện toàn Hội đồng tiền lương quốc gia trong giai đoạn hiện nay thể hiện rõ sự quan tâm của Chính phủ đối với chính sách tiền lương, qua đó củng cố một trong những trụ cột quan trọng của hệ thống an sinh xã hội và phát triển nguồn nhân lực một cách bền vững.