Khai phá sức mua của 'siêu đô thị' TP.HCM

6 nhiều giờ trước kia 3
ARTICLE AD BOX

TP.HCM - Ảnh 1.

Quang cảnh tọa đàm "Không gian phát triển TP.HCM - động lực từ xây dựng chuỗi cung ứng và bán lẻ" - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Các chuyên gia, doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực bán lẻ, logistics, thương mại điện tử... đã cùng phân tích những cơ hội tăng trưởng, đồng thời đề xuất nhiều giải pháp thiết thực để xây dựng hệ sinh thái thương mại hiện đại, hiệu quả và bền vững.

Cơ hội "vàng" cho bán lẻ, logistics và thương mại điện tử

Chuyên gia Đỗ Thiên Anh Tuấn, Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright, cho rằng sau sáp nhập, TP.HCM mới đã trở thành một siêu đô thị đa cực, kết hợp giữa trung tâm hành chính - tài chính - tiêu dùng truyền thống với vùng công nghiệp - logistics - cảng biển năng động.

Về quy mô, tổng diện tích địa lý của thành phố mới đạt khoảng 6.772km², gấp hơn 3,2 lần diện tích TP.HCM cũ, gấp khoảng 25 lần Kuala Lumpur hay Đài Bắc, trên dưới 10 lần Singapore, Jakarta, Seoul; 4,3 lần Bangkok và tương đương với Thượng Hải, đưa TP.HCM vào nhóm đô thị lớn bậc nhất Đông Á. 

Tuy nhiên, để hiện thực hóa tầm nhìn trở thành trung tâm thương mại, dịch vụ, logistics quốc tế hàng đầu Đông Nam Á, TP.HCM mới cần xây dựng một chiến lược định vị rõ ràng, có tính phân vai không gian và chuyên môn hóa chức năng theo vùng. 

Trong đó, định hướng tổ chức hệ thống thương mại theo mô hình "1 thành phố - 3 trung tâm" là hợp lý và khả thi, vừa khai thác hiệu quả lợi thế từ địa phương, vừa tạo tính liên kết chuỗi.

"Thứ nhất, TP.HCM cũ là trung tâm bán lẻ - tiêu dùng cao cấp của vùng. Thứ hai, Bình Dương là trung tâm logistics và thương mại công nghiệp của toàn vùng. Đây là địa phương có hệ thống khu công nghiệp dày đặc, đóng vai trò sản xuất hàng tiêu dùng, hàng xuất khẩu và công nghiệp hỗ trợ quan trọng.

Thứ ba, Bà Rịa - Vũng Tàu là trung tâm thương mại - cảng biển xuất nhập khẩu chiến lược. Với cụm cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải (+ Cần Giờ), khu vực này đóng vai trò cửa ngõ xuất nhập", chuyên gia này nêu.

Góc độ doanh nghiệp, ông Lê Hoàng Long - đại diện Công ty TNHH NielsenIQ Việt Nam - cho biết sức mua tiêu thụ của TP.HCM (cũ) lớn hơn rất nhiều so với Hà Nội. Và nay cộng thêm 2 tỉnh sáp nhập thì sẽ lớn hơn nhiều. 

"Để khai phá sức mua của siêu đô thị mới TP.HCM cần chú ý đến "đặc thù tiêu dùng của địa phương", "bão hòa chuỗi cung ứng", "phân hóa tiêu dùng", sự chênh lệch tiêu thụ hàng hóa giữa TP.HCM cũ và 2 tỉnh còn lại".

Ông Bùi Tá Hoàng Vũ - giám đốc Sở Công Thương TP.HCM - cho biết dù chiếm hơn 20% tổng mức bán lẻ cả nước, TP.HCM vẫn đối mặt với nhiều điểm nghẽn như hạ tầng thương mại thiếu đồng bộ, chuỗi cung ứng và hệ thống phân phối rời rạc, thương mại điện tử phát triển nhưng thiếu liên kết. 

Trước thực trạng này, thành phố đã xác định các định hướng trọng tâm cho giai đoạn mới, bao gồm phát triển quy hoạch không gian thương mại và đẩy mạnh chuyển đổi số.

Khơi thông tiềm lực logistics để bán lẻ bứt phá

Ông Paul Lê - phó chủ tịch phụ trách xúc tiến thương mại Tập đoàn Central Retail Việt Nam - bày tỏ lạc quan khi TP.HCM bước sang một giai đoạn mới với quy mô dân số và thị trường mở rộng. 

Tuy nhiên, ông cũng chỉ ra nhiều thách thức khiến ngành bán lẻ chưa thể phát triển tương xứng, như hạ tầng logistics chưa đồng bộ, điều kiện giao hàng hạn chế khiến chất lượng hàng hóa, đặc biệt là mặt hàng trái cây, thường bị giảm sút khi vận chuyển xa.

"Nếu chi phí logistics được tối ưu, doanh số nhiều mặt hàng có thể tăng gấp 3-4 lần. Vấn đề không phải là hàng hóa có hay không, mà là cách tổ chức logistics để hàng quốc tế vào được TP mới 14 triệu dân, và hàng Việt ra được thế giới", ông Paul nói.

Ở góc độ thương mại điện tử, ông Trần Quốc Bảo - phó tổng giám đốc Tập đoàn KIDO kiêm giám đốc điều hành kênh thương mại điện tử E2E - cho rằng với không gian mới, TP.HCM cần tập trung phát triển khâu phân phối thay vì xúc tiến chung chung. 

Ông nhấn mạnh: "Việt Nam hiện đứng thứ 3 Đông Nam Á về thương mại điện tử và có thể sớm vượt Thái Lan để lên vị trí thứ 2 nếu hành động cụ thể, thực chất hơn".

Đồng quan điểm, ông Phan Mạnh Hà - giám đốc đối ngoại sàn thương mại điện tử Shopee Việt Nam - cho biết Shopee Việt Nam hiện phát triển tốt hơn cả tại thị trường Thái Lan. "Tiềm năng đã có, nếu TP.HCM được định vị là trung tâm của một siêu đô thị thì thị trường còn mở rộng gấp bội", ông Hà nói.

Góp ý thêm một lĩnh vực ít được nhắc đến nhưng đóng vai trò kích cầu mạnh mẽ, bà Trần Mộng Tuyền - quản lý dự án cấp cao, Informa Markets Việt Nam - cho rằng ngành triển lãm tại TP.HCM vẫn thiếu địa điểm đạt chuẩn quốc tế, trong khi đây là kênh quan trọng thúc đẩy tiêu dùng mua sắm bởi có tác dụng lan tỏa.

"Cần có sự hỗ trợ của Nhà nước để triển lãm trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. TP.HCM có nhiều tiềm lực để trở thành trung tâm triển lãm lớn của khu vực và cần có kế hoạch đồng bộ kết nối metro, sân bay với triển lãm", bà Tuyền đề xuất.

Cần cơ chế đặc thù phát triển logistics và thương mại xanh

Thông tin tại buổi tọa đàm, đại diện Sở Xây dựng TP.HCM, ông Lý Thế Dân cho biết sở này vừa trình UBND TP phương án kết nối, chuẩn bị hạ tầng thương mại điện tử, hạ tầng xã hội cho phát triển ngành thương mại. Theo đó, TP sẽ phân bố dân số, hình thành các phân vùng đô thị và chuyển từ đơn cực sang đa cực. Đây là nền tảng để phát triển ngành thương mại, thương mại điện tử.

Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Dũng nhấn mạnh TP.HCM cần những giải pháp đồng bộ, quyết liệt và sáng tạo để hiện thực hóa tầm nhìn trở thành trung tâm kinh tế, thương mại và tiêu dùng của khu vực Đông Nam Á.

Ông cho biết TP sẽ kiến nghị Chính phủ xem xét ban hành cơ chế đặc thù hỗ trợ TP.HCM mới phát triển hạ tầng thương mại, logistics hiện đại, đẩy mạnh chuyển đổi số toàn diện, đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn trong chuỗi cung ứng. Đây là cơ sở để TP phát huy vai trò trung tâm kinh tế - thương mại - tiêu dùng không chỉ của Việt Nam mà còn của khu vực Đông Nam Á.

Lãnh đạo TP cũng kêu gọi các bộ ngành, chuyên gia tiếp tục đồng hành, đóng góp các giải pháp thực tiễn giúp tháo gỡ điểm nghẽn, đặc biệt là phát triển hệ sinh thái logistics kết nối sản xuất - lưu thông - tiêu dùng. 

Đồng thời, cần lồng ghép mục tiêu phát triển bền vững, tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải vào các dự án và khuyến khích các mô hình đổi mới có doanh nghiệp là trung tâm, người dân là động lực.

Phân vai rõ cho logistics xuất khẩu và nội địa

Khai phá sức mua của 'siêu đô thị' TP.HCM - Ảnh 2.

Tàu container cập cảng Cái Mép - Thị Vải, phường Tân Phước, TP.HCM - Ảnh: Đ.H.

TS Đinh Công Khải - phó giám đốc Trường ĐH Kinh tế TP.HCM - chỉ ra điểm nghẽn lâu nay là hệ thống logistics của Việt Nam còn manh mún, thiếu đồng bộ. "Việc sáp nhập hai địa phương có vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng vào TP.HCM là cơ hội quý để khắc phục hạn chế cũ, xây dựng một hệ sinh thái logistics và bán lẻ liền mạch", ông nói.

Từ thực tế địa phương có thế mạnh cảng biển, ông Cao Hồng Phong - chủ tịch Hiệp hội Logistics và Cảng biển Bà Rịa - Vũng Tàu - cho rằng nên tách bạch vai trò của các khu vực: với xuất khẩu, nên tập trung về Bà Rịa - Vũng Tàu do có cảng nước sâu; còn logistics nội địa nên tập trung tại TP.HCM và Bình Dương cũ để khai thác lợi thế gần trung tâm phân phối, người tiêu dùng và mạng lưới bán lẻ.

Tuổi Trẻ mở diễn đàn góp ý phát triển ngành thương mại cho siêu đô thị TP.HCM

Tại buổi tọa đàm, ông Trần Xuân Toàn - phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ - cho biết để ghi nhận hết các ý kiến của chuyên gia, bạn đọc, báo Tuổi Trẻ tiếp tục nhận sự góp ý, đóng góp của mọi người cho phát triển ngành thương mại TP.HCM thông qua diễn đàn TP.HCM: Xây dựng chuỗi cung ứng, bán lẻ hiện đại, bền vững trong giai đoạn mới. Diễn đàn kéo dài từ tháng 7 đến tháng 9-2025. Mọi ý kiến gửi về địa chỉ email: [email protected]

Đọc toàn bộ bài viết