Kịch bản tăng trưởng lạc quan
Ngay từ đầu năm, Hà Nội đã không ngồi chờ đợi các tín hiệu tích cực từ thị trường toàn cầu, mà chọn cách chủ động tháo gỡ nút thắt thể chế, đồng hành với doanh nghiệp, thúc đẩy cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, những yếu tố tưởng như ‘mềm’, nhưng lại chính là động cơ ‘cứng’ của tăng trưởng.

GRDP Hà Nội 6 tháng đầu 2025 tăng 7,63%, vượt kỳ vọng giữa bất ổn toàn cầu.
Với mức tăng 8,42%, dịch vụ tiếp tục giữ vai trò trụ cột, không chỉ vì tỷ trọng chiếm tới gần 70% GRDP mà còn vì đang dần chuyển mình theo hướng chất lượng cao và kinh tế số. Các ngành như giáo dục, tài chính, vận tải, truyền thông, đặc biệt, thông tin và truyền thông tăng trên 7,5% là bằng chứng rõ nét về quá trình chuyển đổi số không chỉ là khẩu hiệu mà đã thành lực đẩy thật sự cho nền kinh tế.
Hà Nội đang đi trước một bước so với nhiều địa phương khác khi không chỉ phục hồi mà còn tái cấu trúc mô hình tăng trưởng theo hướng hiện đại hóa, giảm phụ thuộc vào tăng trưởng truyền thống, mở rộng dư địa từ đổi mới công nghệ và sáng tạo.
Dù chưa vượt trội, nhưng mức tăng 7,75% trong quý II của khu vực công nghiệp, xây dựng cho thấy nền sản xuất vật chất của Thủ đô đang dần phục hồi, nhất là sau cú dừng đầu năm. Việc các lĩnh vực như phân phối điện, xử lý nước và rác thải tăng đều là tín hiệu khả quan cho chiến lược phát triển hạ tầng và kinh tế xanh mà Thủ đô đang theo đuổi.
Cùng với đó, sự trỗi dậy thầm lặng của nông nghiệp công nghệ cao với mức tăng 3,21% cũng khẳng định Hà Nội không bỏ rơi khu vực này, mà đang khéo léo đưa nông nghiệp trở thành ‘vệ tinh xanh’ trong bản đồ phát triển đô thị hiện đại.
Nhận diện thách thức, giữ đà tăng trưởng
Mặc dù bức tranh tăng trưởng nhiều gam màu sáng nhưng không thể phủ nhận những điểm nghẽn đang âm thầm tác động đến nền kinh tế. Tiêu dùng nội địa vẫn chưa phục hồi rõ rệt, khi mức đóng góp của thuế sản phẩm chỉ ở mức 0,51% thấp hơn kỳ vọng.

Tiêu dùng nội địa vẫn chưa phục hồi rõ rệt, khi mức đóng góp của thuế sản phẩm chỉ ở mức 0,51% thấp hơn kỳ vọng. Ảnh: Xuân Hà.
Cùng lúc đó, bất động sản, một trong những lĩnh vực vốn là động lực lan tỏa của nền kinh tế Hà Nội vẫn tăng trưởng èo uột, chỉ khoảng 2,4%. Điều này phản ánh thị trường đang trong pha điều chỉnh sâu, đặt ra yêu cầu cấp bách về các chính sách tài khóa, tín dụng và quy hoạch dài hơi để tháo gỡ khó khăn cho thị trường nhà ở và hạ tầng đô thị.
Sự dịch chuyển cơ cấu GRDP về dịch vụ tăng lên 68,58% là tất yếu trong quá trình đô thị hóa và phát triển tri thức. Tuy nhiên, nếu thiếu chiến lược “cân đối”, nguy cơ dịch vụ hóa quá nhanh, nền tảng sản xuất suy yếu hoàn toàn có thể trở thành rào cản phát triển bền vững. Do đó, TP. Hà Nội cần tiếp tục duy trì trục phát triển cân bằng, đầu tư có trọng điểm vào công nghiệp chế biến, chế tạo, đồng thời giữ vững an ninh lương thực đô thị.
Con số 7,63% là niềm tự hào, nhưng cũng là lời nhắc nhở trong môi trường toàn cầu đầy bất định, tăng trưởng không phải là mục tiêu duy nhất, mà còn là phương tiện để đạt đến một nền kinh tế bền vững, bao trùm và có sức chống chịu cao.
Hà Nội đang làm tốt vai trò đầu tàu khu vực phía Bắc, nhưng để giữ vững đà tăng trưởng và tạo lực đẩy mới, cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; kích hoạt mạnh mẽ tiêu dùng nội địa và du lịch quốc tế; tái cơ cấu bất động sản đô thị gắn với quy hoạch thông minh. Và trên hết, lấy doanh nghiệp làm trung tâm, lấy người dân làm động lực trong mọi chính sách.
Tăng trưởng 7,63% không chỉ là con số đó là kết quả của bản lĩnh, trí tuệ và khát vọng phát triển bền vững của một Hà Nội hiện đại, đang vươn lên giữa những bất ổn của tài chính toàn cầu.