Làm trà từ hoa cúc tiến vua

8 nhiều giờ trước kia 2
ARTICLE AD BOX

Nghề trồng hoa cúc ở xã Nghĩa Hiệp (huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi) hình thành cách đây hơn 50 năm. Từ chỗ người dân lấy hoa giống từ Đà Lạt về trồng, đến nay, người dân Nghĩa Hiệp đã tự nhân mô cấy giống trồng và cung cấp giống cho các nơi.

Dù trồng hoa đã trở thành nghề truyền thống của người dân xã Nghĩa Hiệp, đặc biệt là hoa cúc. Tuy nhiên, trồng hoa cúc để làm trà là một cách làm mới mẻ đối với người dân địa phương.

 Võ Hà.

Cúc chi được canh tác trên vùng đất sạch để đảm bảo tiêu chuẩn làm trà. Ảnh: Võ Hà.

Xuất phát từ nhu cầu thị trường ngày càng ưa chuộng các sản phẩm trà, đồng thời, tìm ra hướng đi mới cho người trồng hoa mang tính bền vững, chị Trần Thị Thanh Hà (sinh năm 1992, thôn Đồng Viên, xã Nghĩa Hiệp) đã tiên phong đưa mô hình trồng hoa cúc chi - loại trà thời xưa thường để tiến vua - để làm trà.

Ủng hộ hướng đi của con, cha chị Hà - ông Trần Quang Trung, người đàn ông có hơn 30 gắn bó với nghề trồng hoa cúc đã cùng con gái ra Hưng Yên để tìm mua giống cúc chi.

“Hồi đó, tốn hơn 20 triệu mua được 5 bó giống cúc chi để mang về trồng- ông Trung nhớ lại.

Tháng 7/2023, lứa cúc chi đầu tiên được ông Trung xuống giống thử nghiệm, trùng với thời điểm người dân Nghĩa Hiệp xuống giống vụ hoa Tết. Đến tháng 11, cúc nở hoa nhưng cây nhỏ, sản lượng thấp, không đạt tiêu chuẩn làm trà.

Không bỏ cuộc, ông Trung sử dụng các biện pháp giữ giống cúc như cách người trồng hoa Nghĩa Hiệp vẫn thường làm, cắt ngọn, kích rễ, cắm vào cát, tưới nước bằng giàn phun tự động. Với cách làm này, cây giống tỷ lệ sống cao đến 80-90% và sống tốt khi trồng ra đất tự nhiên, chủ động nguồn giống cúc chi.

Còn chị Hà lại lặn lội ra tỉnh Bắc Giang học hỏi kỹ thuật làm trà từ loài hoa cúc để mang về áp dụng.

Năm 2024, lần đầu tiên, lứa cúc chi được trồng tại xã Nghĩa Hiệp để làm trà. Đến kỳ hoa nở rộ, gia đình chị Hà phải thuê nhiều người thu hoạch hoa cúc liên tục suốt 15 ngày mới kết thúc vụ. Trên diện tích 2 sào, cha con chị Hà thu hoạch được gần 20 tạ tươi.

 Võ Hà.

Hoa cúc chi sau khi thu hoạch sẽ được sấy khô đông lạnh Ảnh: Võ Hà.

“Hoa cúc chi thu hoạch xong được hấp rồi sử dụng công nghệ sấy khô đông lạnh, còn ở các nơi khác họ chỉ sấy lạnh rồi phơi nắng. Quy trình hấp, sấy khô đông lạnh sẽ có giá thành khá cao so với sản phẩm thông thường nhưng khi pha trà, hoa cúc sẽ giữ nguyên vẹn như một hoa tươi, giữ chất lượng tốt nhất trong sản phẩm”- chị Hà chia sẻ.

Hiện nay, chị Hà đang đưa ra thị trường 3 dòng sản phẩm là trà hoa cúc sấy thăng hoa, trà túi lọc và trà kết hợp kỷ tử, táo đỏ, cam thảo, long nhãn… mức giá dao động 80.000-120.000 đồng/sản phẩm.

Dự án làm trà hoa cúc tiến vua của chị Trần Thị Thanh Hà đã được Hội LHPN huyện Tư Nghĩa chọn đại diện tham gia chương trình “Phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo và chuyển đổi xanh năm 2024” do Hội LHPN tỉnh tổ chức và được trao giải Nhì. 

 Từ kết quả ban đầu, chị mở rộng vùng trồng hoa cúc với diện tích 3.000 m2. Hoa cúc làm trà được canh tác nơi đất sạch, không phun thuốc trừ sâu để làm trà. Sản phẩm trà hoa cúc đã bắt đầu vươn ra thị trường và huyện Tư Nghĩa cũng hy vọng sẽ là sản phẩm OCOP của địa phương.

“Lần đầu tiên khởi nghiệp nên khó khăn trong tiêu thụ là điều không tránh khỏi. Hiện tôi chỉ mới bán ở các quán cà phê, người quen, khi ổn định hơn, tôi sẽ mở rộng diện tích và khuyến khích người trồng hoa xã Nghĩa Hiệp cùng tham gia sản xuất giống cúc tiến vua này”, chị Hà chia sẻ.

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hiệp Phạm Văn Tân, bước đầu mô hình trà hoa cúc chi của chị Hà đã sản xuất thành công và đưa ra thị trường, mở ra hướng đi mới cho người trồng hoa Nghĩa Hiệp. Thời gian tới, xã tập trung xây dựng vùng cây hoa giống ổn định, đẩy mạnh quảng bá thương hiệu, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong các khâu trồng, chăm sóc, song song phát triển trồng giống cúc chi làm trà mới.

 Võ Hà

Sản phẩm trà hoa cúc tiến vua ngày càng được người tiêu dùng ưa chuộng. Ảnh: Võ Hà

Hiện nay, toàn xã Nghĩa Hiệp có hơn 500 hộ trồng hoa. Người dân đã ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật và không ngừng học hỏi, nghiên cứu, thuần hóa các giống hoa phù hợp với thời tiết ở địa phương.

Ngoài hoa cúc, người dân đã trồng thêm các loại hoa hồng, dạ yến thảo, hải đường, ngũ sắc... Nhờ đó, nhiều thương lái ở các tỉnh, thành phố lân cận tìm về xã Nghĩa Hiệp để hợp tác tiêu thụ hoa, nhất là mỗi dịp Tết đến, Xuân về.

Để nâng cao thu nhập cho người dân, địa phương đang xây dựng kế hoạch liên kết các công ty lữ hành mở tour du lịch đưa du khách về thăm làng hoa. 

Đọc toàn bộ bài viết