Kiên Giang là tỉnh có diện tích sản xuất theo mô hình xen canh khóm (dứa), cau, dừa lên đến hàng ngàn ha, tập trung chủ yếu ở huyện Châu Thành. Trong đó, cây cau vừa là cây tạo bóng mát cho cây khóm, vừa cho thu nhập từ bán trái và gần việc bán mo cau cũng mang lại thu nhập đáng kể cho người dân.
Trước đây, mo cau – phần bẹ khô rụng tự nhiên từ cây cau vốn chỉ được dùng để nhóm bếp, lót chuồng, hoặc bỏ mặc phân hủy, nhưng những năm gần đây mo cau còn được thu mua để làm chén, đĩa, khay...
Mo cau sau khi già sẽ tự rụng, được thu gom phơi khô, sau đó ngâm nước, rửa sạch rồi cho vào máy ép nhiệt để tạo hình, khử trùng bằng tia UV để tránh nấm mốc. Từ đó, có thể tạo ra rất nhiều sản phẩm đa dạng phục vụ dụng sinh hoạt hàng ngày như: tô, chén, đĩa, muỗng, khay đựng đồ hình vuông, tròn, chữ nhật…

Ông Thái thu gom mo cau khô để bán, tăng thu nhập từ mô hình vườn trồng khóm, cau, dừa. Ảnh: Trung Chánh.
Ông Dư Văn Thái (ở xã Bình An, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang) là một trong những nhà vườn tiên phong thu gom mo cau để bán cho biết: “Mỗi chiếc mo cau đạt chuẩn, bề ngang từ 30cm trở lên sau khi phơi khô được thương lái thu mua với giá 1.000 đồng/cái. Với 2 ha sản xuất theo mô hình xen canh khóm, cau, dừa, tôi có thể gom được hàng ngàn chiếc mo cau để bán, có thêm nguồn nhập, thay vì vứt bỏ tại vườn gây ô nhiễm”.
Hiện nay một số dự án khởi nghiệp lựa chọn nguyên liệu mo cau để tạo ra các sản phẩm thân thiện với môi trường nhằm thay thế sản phẩm nhựa sử dụng một lần. Các sản phẩm này được thị trường ưa chuộng do có nguồn gốc nguyên liệu tự nhiên, an toàn cho sức khỏe người sử dụng và đặc biệt là khả năng tự phân hủy nhanh, hạn chế ô nhiễm môi trường, đáp ứng tốt nhu cầu sống xanh hiện nay. Sản phẩm từ mo cau không chỉ được tiêu thụ trong nước mà còn xuất khẩu sang nhiều quốc gia như Hàn Quốc, Mỹ, Canada và Hà Lan.
Việc thu gom và chế biến mo cau không chỉ giúp người dân tăng thu nhập mà còn góp phần bảo vệ môi trường, giảm thiểu rác thải nông nghiệp. Đây là hướng đi phù hợp với xu thế phát triển bền vững và kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp. Với diện tích trồng cau lớn, Kiên Giang có tiềm năng áp dụng mô hình này để tăng giá trị kinh tế từ cây cau.