Ngành thép Việt Nam đối mặt với nhiều khó khăn từ hàng rào thuế quan - Ảnh: AI/BÌNH KHÁNH
Như Tuổi Trẻ Online đã đưa tin, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã công bố quyết định sơ bộ trong cuộc điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm thép mạ nhập khẩu từ nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Sau quyết định sơ bộ này, phía Mỹ sẽ ra phán quyết cuối cùng vào tháng 8-2025, trước khi Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ (ITC) đưa ra kết luận cuối cùng vào tháng 10-2025.
Doanh nghiệp nào trên sàn góp mặt?
Theo quyết định áp thuế sơ bộ từ Mỹ, nhiều doanh nghiệp thép trên sàn chứng khoán có mặt trong danh sách áp thuế.
Mỹ áp thuế chống bán phá giá sơ bộ với thép Việt Nam
Trong đó, Tập đoàn Hoa Sen (HSG) nhận mức thuế 59%. Công ty TNHH Tôn Hòa Phát - thành viên của Tập đoàn Hòa Phát (HPG), Thép Nam Kim (NKG) cùng chịu mức thuế 49,42%.
Còn Tôn Đông Á (GDA) - một doanh nghiệp khác trên sàn nhận mức thuế 39,84%. Các doanh nghiệp không được nêu cụ thể trong quyết định kể trên sẽ chịu thuế tới 88,12%.
Theo Hiệp hội thép Việt Nam, tính đến cuối năm 2024, Mỹ trở thành đối tác xuất khẩu thép lớn thứ 3 của Việt Nam với tỉ trọng khoảng 13% (sau ASEAN và EU).
Lượng xuất khẩu sang Mỹ của Việt Nam tăng trưởng 50% so với cùng kỳ, đạt mức 1,7 triệu tấn trong đó phần lớn đến từ tôn mạ, CRC và HRC chiếm 60% tỉ trọng.
Đội ngũ phân tích Chứng khoán MB (MBS) cho biết, sản lượng xuất khẩu tôn mạ tăng trưởng năm ngoái đến từ những tín hiệu tích cực của thị trường xây dựng Mỹ hồi phục.
Cũng theo MBS, trên tổng sản lượng thép xuất khẩu sang Mỹ 2024, HRC và tôn mạ chiếm 60% và các mặt hàng này đang chịu thuế suất 21%-36%. Trong đó, các sản phẩm thép xây dựng và HRC đang phải chịu mức thuế khoảng 33% - 36%.
Việc tăng thuế có thể làm giảm lợi thế cạnh tranh về giá đối với thép Việt Nam do đó khả năng cao các doanh nghiệp sẽ phải giảm giá bán tại Mỹ, chuyên gia MBS từng đánh giá.
Có tác động đến giá cổ phiếu?
Khi Mỹ áp thuế nhập khẩu 25% lên các sản phẩm thép vào tháng 2 năm nay, MBS đánh giá Việt Nam có thể bị tác động nhẹ do Mỹ hiện tại là đối tác xuất khẩu lớn thứ 3 với các sản phẩm chính là tôn mạ, HRC và CRC.
Dữ liệu MBS chỉ ra, doanh nghiệp trên sàn có tỉ trọng xuất khẩu vào Mỹ cao như GDA (16%), NKG (13%) và HSG (9%) có thể sẽ giảm nhẹ biên lợi nhuận trong khi sản lượng không bị tác động đáng kể.
Tuy nhiên, với mức thuế chống bán phá giá mới, các doanh nghiệp phải tính toán nhiều phương án khác để thích nghi. Còn tác động cụ thể thế nào còn phụ thuộc vào tỉ trọng xuất khẩu vào Mỹ và nhiều yếu tố nội tại của từng doanh nghiệp.
Trước đó, trong cả hai phiên giao dịch ngày 3 và 4-4, khi cả thị trường chịu áp lực bán tháo từ tin Mỹ áp thuế đối ứng 46%, nhóm cổ phiếu thép không ngoại lệ.
Cổ phiếu NKG của Thép Nam Kim bị giảm sàn hai phiên liên tiếp. GDA của Tông Đông Á sau phiên giảm sàn, lại chịu tiếp phiên điều chỉnh gần 8%.
Tương tự, HPG của Hòa Phát hay HSG của Hoa Sen đều trải qua một phiên bán tháo giảm đến kịch sàn và phiên sau điều chỉnh biên độ lớn (3-5%).
Giới phân tích đánh giá, các doanh nghiệp sản xuất thép với thị phần nội địa lớn sẽ có lợi thế trong việc duy trì đà tăng trưởng doanh thu trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp xuất khẩu cũng cần tập trung mở rộng sang các thị trường mới (khu vực chưa áp dụng hàng rào thuế quan với thép Việt Nam) để duy trì sản lượng tiêu thụ.