Nhà ga T3 Tân Sơn Nhất bắt đầu đón khách

1 ngày trước kia 3
ARTICLE AD BOX

nhà ga t3 - Ảnh 1.

Hành khách đi qua cửa kiểm tra an ninh tại nhà ga T3 - Ảnh: Q.A.

Chuyến bay VN1286 khởi hành từ TP.HCM đi Vân Đồn (Quảng Ninh) vào lúc 5h55, chở 105 hành khách, đánh dấu cột mốc quan trọng trong việc đưa nhà ga hiện đại này vào khai thác.

Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, ngay từ sáng sớm, nhà ga T3 đã nhộn nhịp với sự hiện diện của những hành khách đầu tiên.

Nhà ga hiện đại, giảm tải cho sân bay Tân Sơn Nhất

Không khí háo hức xen lẫn tò mò hiện rõ khi nhiều người trải nghiệm không gian rộng rãi, sang trọng và công nghệ tiên tiến. Chị Liên (ngụ quận), một trong những hành khách đầu tiên làm thủ tục tại nhà ga T3, chia sẻ nhà ga rất mới, hiện đại, không gian đẹp và thoáng.

Tuyến đường kết nối cũng thuận tiện, dễ dàng di chuyển. Tại khu vực phòng chờ, đội ngũ nhân viên từ các đơn vị dịch vụ hàng không như Taseco và Sasco làm việc không ngừng nghỉ. Chị Trà Giang, nhân viên một công ty dịch vụ hàng không, cho biết gần như thức trắng đêm để chuẩn bị.

Dù vất vả nhưng ai cũng phấn khởi khi đón những vị khách đầu tiên. Trong khi đó, các công nhân tất bật lau kính, kiểm tra thang máy, chăm sóc cây xanh, đảm bảo mọi thứ sẵn sàng cho ngày khánh thành chính thức vào 30-4.

Các hãng hàng không Vietnam Airline, Vietjet cũng bắt đầu chuyển đổi khai thác tại nhà ga T3. Theo đó, Vietnam Airlines là hãng đầu tiên khai thác tại nhà ga T3, bố trí quầy làm thủ tục từ số 56 - 109 và 22 quầy tự động.

Hãng khuyến nghị hành khách đến sân bay sớm 2 tiếng, ưu tiên check-in trực tuyến qua website, ứng dụng di động hoặc ki ốt tự phục vụ. Dự kiến đến cuối tháng 4, toàn bộ chuyến bay nội địa của Vietnam Airlines (trừ các tuyến Côn Đảo, Cà Mau, Rạch Giá) sẽ chuyển sang nhà ga T3.

Vietjet cũng lên kế hoạch chuyển toàn bộ hoạt động bay nội địa sang nhà ga T3 trong thời gian tới. Trong khi đó, Bamboo Airways, Vietravel Airlines, Pacific Airlines và Vasco tiếp tục khai thác tại nhà ga T1. Còn nhà ga T2 vẫn phục vụ các chuyến bay quốc tế.

Ngoài hãng bay, các dịch vụ khác gấp rút đồng bộ, sẵn sàng cho ngày hoạt động chính thức. Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Lê Anh Quốc, phó chủ tịch HĐQT Taseco, cho biết công ty đã huy động tối đa nhân sự để vận hành 19 cửa hàng ăn uống, lưu niệm và phòng chờ thương gia. Theo ông Quốc, nhà ga T3 rộng rãi với công nghệ hiện đại.

Taseco sẽ đầu tư thêm nhiều dịch vụ chất lượng, đồng bộ với hệ thống Taseco. Trong khi đó, Sasco đã khai trương phòng chờ thương gia với thiết kế hiện đại, đạt tiêu chuẩn quốc tế, thu hút nhiều hành khách ngay từ ngày đầu.

Theo Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), nhà ga T3 đáp ứng công suất 20 triệu hành khách/năm và 7.000 hành khách/giờ cao điểm, có khả năng khai thác tất cả các loại tàu bay code C và code E.

Dự kiến tiếp nhận gần 80% tổng số chuyến bay nội địa tại sân bay Tân Sơn Nhất, nhà ga T3 sẽ giúp giảm áp lực đáng kể cho nhà ga T1 - vốn chỉ thiết kế cho 15 triệu khách/năm nhưng thường xuyên quá tải, đặc biệt vào dịp lễ Tết với gần 100.000 lượt khách/ngày.

nhà ga t3 - Ảnh 2.

Hành khách check-in online gửi hành lý ở nhà ga T3 - Ảnh: V.A.

Đảm bảo vận hành an toàn, hỗ trợ hành khách

Trực tiếp đi kiểm tra, đôn đốc tiến độ ở nhà ga T3 vào sáng 17-4, ông Nguyễn Cao Cường, phó tổng giám đốc ACV, khẳng định nhà ga T3 sẽ hoàn thành đúng tiến độ cho lễ khánh thành vào ngày 30-4. Hơn 2.500 công nhân và kỹ sư đã làm việc ngày đêm để đảm bảo chất lượng công trình.

Theo ACV, nhà ga T3 có tổng diện tích sàn 112.500m², gồm 1 tầng hầm và 4 tầng nổi. Nhà ga được thiết kế tích hợp nhiều công nghệ hàng không tiên tiến với 90 quầy thủ tục truyền thống, 20 quầy tự động trả hành lý và 42 ki ốt check-in tự phục vụ.

Hệ thống đường dẫn và cầu vượt đồng bộ giúp hành khách di chuyển thuận tiện. Theo các chuyên gia hàng không, nhà ga T3 được kỳ vọng trở thành một trong những nhà ga hành khách quốc nội hiện đại nhất khu vực.

Việc Vietnam Airlines và Vietjet Air chuyển sang nhà ga T3 sẽ phục vụ khoảng 20 triệu lượt khách nội địa mỗi năm, chiếm gần 80% tổng lượng khách bay trong nước tại sân bay Tân Sơn Nhất, góp phần giải quyết tình trạng quá tải và nâng cao chất lượng dịch vụ hàng không Việt Nam trên bản đồ quốc tế.

Tuy nhiên, do nhà ga T1 và nhà ga T3 tách biệt, việc di chuyển giữa hai nhà ga mất ít nhất 15 - 20 phút, các doanh nghiệp hàng không lo ngại hành khách nhầm lẫn, đặc biệt với các chuyến bay liên danh như Vietnam Airlines, Pacific Airlines và Vasco.

Chẳng hạn, các chuyến bay code-share giữa Vietnam Airlines và Pacific Airlines đều mang ký hiệu "VN", khiến nhiều người lầm tưởng về hãng khai thác thực tế. Điều này có thể dẫn đến việc hành khách đến sai quầy check-in hoặc nhầm thời gian bay.

Để giảm thiểu nhầm lẫn, các hãng hàng không đang tăng cường thông tin cho hành khách về chuyển đổi nhà ga trong phương tiện thông báo như email, tin nhắn, Zalo... Hành khách cũng cần kiểm tra kỹ thông tin nhà ga khởi hành trên vé.

Trước nguy cơ không tránh khỏi chuyện khách bị nhầm nhà ga, Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu ACV và Cảng hàng không sân bay Tân Sơn Nhất phối hợp với các đơn vị phục vụ mặt đất để đảm bảo hành khách được hỗ trợ tối đa, đặc biệt trong trường hợp nhầm nhà ga.

Vietnam Airlines và Vietjet Air được yêu cầu xây dựng chính sách hỗ trợ hành khách lỡ chuyến do nhầm nhà ga, đồng thời tăng cường truyền thông và bố trí nhân viên hướng dẫn tại sân bay.

ACV dự kiến sẽ bổ sung nhân sự hỗ trợ hành khách, đặc biệt là những người nối chuyến, trong giai đoạn đầu vận hành nhà ga T3. Cảng hàng không sân bay Tân Sơn Nhất cũng đang lên kế hoạch đấu thầu dịch vụ vận chuyển hành khách giữa các nhà ga T1, T2 và T3 để đảm bảo sự thuận tiện cho hành khách đi lại.

nhà ga t3 - Ảnh 3.

Khu chờ check-in rộng rãi tại nhà ga T3 - Ảnh: Q.A.

Hướng nào vào nhà ga T3?

Nhà ga T3 sử dụng hai trục chính là đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa và đường Hoàng Hoa Thám mở rộng, thay vì phụ thuộc vào đường Trường Sơn như trước.

Dự án đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa dài 4km, với tổng vốn hơn 4.800 tỉ đồng, sẽ được khai thác đồng bộ từ cuối tháng 4.

Ông Lương Minh Phúc, giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM, cho biết tuyến đường có ba điểm kết nối với nhà ga T3, gồm hai lối dưới đất và một cầu cạn phía trước nhà ga.

Hành khách từ các khu vực có thể tiếp cận nhà ga T3 theo lộ trình:

- Bình Dương, Đồng Nai, TP Thủ Đức: Phạm Văn Đồng - Bạch Đằng - Trường Sơn - đường nối Trần Quốc Hoàn - Phan Thúc Duyện.

- Trung tâm TP.HCM: Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Nguyễn Văn Trỗi - Phan Thúc Duyện.

- Phía tây và tây bắc (quận Bình Tân, huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi): Cộng Hòa - Hoàng Hoa Thám - Phan Thúc Duyện.

Xem sơ đồ

Nhà ga T3 Tân Sơn Nhất bắt đầu đón khách - Ảnh 4.

Đồ họa: TUẤN ANH

Đọc toàn bộ bài viết