Những quả trứng từ giấc mơ gãy dở

5 nhiều ngày trước kia 8
ARTICLE AD BOX

Tôi gặp chị Dung trong một buổi chiều nắng vàng trải nhẹ khắp làng quê Lập Thạch. Người phụ nữ từng từ bỏ phố thị, ôm giấc mơ làm nông bằng đôi tay trắng, giờ đang tỉ mẩn xếp từng quả trứng – những quả trứng của hy vọng. Ánh nắng xiên qua khe chuồng, rọi lên gương mặt rám nắng mà rạng rỡ của chị. Trong không gian yên bình ấy, tôi nhìn thấy sự hồi sinh của một cuộc đời, khởi nguồn từ những điều rất đỗi giản đơn: vài con gà, một khoản trợ cấp nhỏ và một niềm tin không bao giờ tắt.

Hành trình ngược gió giữa làng quê

Tôi tìm đến xã Xuân Hoà, huyện Lập Thạch (Vĩnh Phúc cũ) vào một ngày đầu hè. Đường làng đỏ au màu đất, lấm tấm bụi sau cơn gió đồng. Lũ trẻ con trần trụi nô đùa bên bờ ruộng, tiếng gà gáy rộn ràng vang lên từ những khu chuồng ở cuối xóm. Dưới cái nắng như rót mật của vùng quê Bắc Bộ, tôi men theo lối đất nhỏ, ghé vào căn nhà nằm lọt giữa vườn cây xanh mát – nơi chị Nguyễn Thị Dung (xã Xuân Hoà - nay là xã Lập Thạch, tỉnh Phú Thọ) đang sống cùng chồng con và chăm sóc hơn 8.000 con gà.

Chị Dung năm nay 30 tuổi, dáng người nhỏ nhắn, ánh mắt có chiều sâu của người từng trải. Trước kia, chị là công nhân tại một nhà máy dệt may ở Hà Nội – nơi mà mỗi ngày trôi qua là một chuỗi những tiếng máy đều đều, những đơn hàng gấp gáp và những đồng lương gom góp từng chút. Gần 5 năm ròng chị tằn tiện nơi đất khách, gửi từng đồng về quê lo cho con nhỏ, lo cho bố mẹ già. Những tưởng cuộc sống cứ thế trôi đi, dù vất vả nhưng cũng ổn định.

Rồi đại dịch COVID-19 ập đến. Nhà máy cắt giảm giờ làm, thu nhập sụt giảm, chi phí ăn ở nơi phố thị leo thang theo từng đợt bùng dịch. Sự mỏi mệt và bất an ngày một lớn dần, khiến chị quyết định dừng lại. "Tôi không còn đủ sức bám trụ nữa. Một phần cũng vì nhớ con, nhớ nhà. Một phần vì cảm thấy, nếu còn tiếp tục, mình sẽ gục ngã", chị trải lòng.

 Lê Ngọc.

Chị Dung tỉ mỉ xếp trứng – thành quả từ hành trình khởi nghiệp với điểm tựa là khoản trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp. Ảnh: Lê Ngọc.

Ngày xách ba lô về quê, hành trang của chị là vài bộ quần áo cũ, một ít tiền dành dụm và... bộ hồ sơ xin hưởng bảo hiểm thất nghiệp. “Về quê khi trong tay gần như trắng trơn là một quyết định đầy liều lĩnh” -chị nói, rồi đưa mắt nhìn về khu chuồng gà phía sau nhà. Giữa bối cảnh công việc đứt gãy, tương lai mịt mờ, khoản trợ cấp thất nghiệp gần 2,85 triệu đồng mỗi tháng trong vòng 5 tháng – tổng cộng khoảng 14,25 triệu đồng – trở thành thứ duy nhất giúp chị không cảm thấy mình đang rơi tự do.

“Tiền không nhiều, nhưng lúc đó nó như cái phao”, chị kể. Vợ chồng chị đã tận dụng khoản trợ cấp ấy để lo sinh hoạt cơ bản, rồi gom góp mua vài chục con gà giống. Một chiếc chuồng tạm được dựng lên từ gỗ thừa, tôn cũ. Ngày đầu nuôi gà, chị thậm chí còn không biết cách phân biệt gà mái – gà trống. Nhưng có gà là có công việc, là có lý do để dậy sớm, để đi ngủ muộn. Chị bắt đầu đọc từng bài viết về chăn nuôi trên mạng, hỏi han bà con trong xóm, ghi lại mọi thứ trong một cuốn sổ nhỏ.

Tôi nhìn chị – người phụ nữ từng đứng giữa phố thị hoa lệ, nay tay lấm chân bùn, nhưng ánh mắt vẫn sáng đầy hy vọng mà thầm khâm phục. Với chị Dung, bảo hiểm thất nghiệp không chỉ là sự hỗ trợ tạm thời, mà còn là bước đệm đầu tiên trên hành trình tái thiết cuộc đời.

 Lê Ngọc.

Chuồng trại được đầu tư bài bản nhờ vốn vay ngân hàng và khoản trợ cấp thất nghiệp ban đầu. Ảnh: Lê Ngọc.

“Không có nó, chắc tôi đã gục ngay từ tháng đầu tiên” - chị cười nhẹ, rồi đưa tay chỉnh lại tấm lưới chắn gió cho dãy chuồng mới. Đàn gà phía trong vẫn rộn ràng vỗ cánh, như thể cũng đang đồng tình với chủ của mình.

Tôi ngẫm, từ trước đến nay, nhiều người – trong đó có tôi – vẫn xem bảo hiểm thất nghiệp là khoản tiền... "chống cháy" lúc mất việc. Nhưng dưới mái chuồng đơn sơ kia, trong ánh mắt đầy quyết tâm của chị Dung, tôi hiểu: nếu được sử dụng đúng cách, khoản hỗ trợ ấy hoàn toàn có thể trở thành vốn mồi, thành "cánh tay" nâng người lao động dậy giữa lúc chông chênh nhất của cuộc đời.

Trên mảnh đất cũ, gieo lại một tương lai mới

Từ vài chục con gà ban đầu, chị Dung bắt đầu mày mò cách chăn nuôi bài bản. Ban ngày chăm gà, tối đến chị lướt YouTube học kỹ thuật úm gà, phòng bệnh, xử lý dịch. Có đêm, chồng con ngủ rồi, chị vẫn ngồi một mình trước chiếc điện thoại cũ, tua đi tua lại đoạn video hướng dẫn cách tiêm vaccine cho gà con. Chị còn đi học các lớp khuyến nông miễn phí tại xã, không bỏ buổi nào, dù trời mưa hay nắng gắt.

Rồi chị liều vay 200 triệu đồng ngân hàng, mua hệ thống máy ấp trứng, máng nước tự động, giống gà siêu trứng. “Lúc vay, cả nhà lo. Nhưng không thử thì bao giờ mới khá được”, chị kể. Tôi nghe mà không khỏi thán phục. Cái gan khởi nghiệp từ chuồng gà nhỏ ấy không phải ai cũng có – nhất là khi sau lưng không có điểm tựa tài chính nào khác ngoài sự hỗ trợ ban đầu từ khoản trợ cấp thất nghiệp.

Tôi theo chị đi dọc dãy chuồng gà mới, nơi hơn 8.000 con gà đang sinh trưởng khỏe mạnh. Tiếng cục tác rộn ràng như một bản hợp xướng. Trứng thu mỗi ngày đến hàng nghìn quả. Trong góc chuồng, một máy ấp trứng đời mới đang vận hành êm ru – thành quả từ chính những tháng ngày chị không ngừng học hỏi và kiên nhẫn dựng xây từng bước một.

Nhưng làm nông không chỉ là câu chuyện của tăng đàn, nở trứng. “Năm 2023, bão lớn làm vườn đào nhà tôi hỏng sạch. Sang đầu năm 2024, dịch tả lợn Châu Phi cướp đi hơn 100 con lợn” - chị kể, ánh mắt thoáng trầm. Tôi nhìn thấy trong cái trầm ấy không chỉ là tiếc nuối, mà còn là sự bình thản của người đã quen đi qua bão giông.

 Lê Ngọc.

Từng quả trứng được nhặt lên không chỉ là thực phẩm, mà là minh chứng cho niềm tin, nghị lực và sự khởi đầu mới sau thất nghiệp. Ảnh: Lê Ngọc.

Tôi hiểu rằng đằng sau nụ cười lạc quan kia là hàng trăm đêm mất ngủ, những lần đứng bên chuồng trống mà nghẹn ngào. Nhưng chị không bỏ cuộc. Bởi với chị, mỗi thất bại là một bài học, mỗi tổn thất là một trải nghiệm để trưởng thành hơn.

“Làm nông bây giờ đâu chỉ biết nuôi. Phải biết phòng bệnh, hiểu thị trường, tận dụng mạng xã hội. Mỗi sáng tôi còn livestream bán trứng trên Facebook. Khách đều là người trong vùng thôi nhưng đơn đều đặn lắm!” – chị khoe, không giấu được niềm tự hào.

Tôi hiểu, sự bền bỉ của người lao động, cộng với sự hỗ trợ thiết thực từ chính sách bảo hiểm thất nghiệp, có thể mở ra một lối đi mới, dù nhỏ, nhưng đủ để những người như chị Dung đứng vững trên đôi chân của mình.

Từ một người mất việc, không phương hướng, chị Dung nay trở thành chủ trang trại. Một hành trình không chỉ được viết bằng mồ hôi, mà còn bằng sự đồng hành lặng lẽ nhưng vững chãi của chính sách an sinh. Chính sách ấy, nếu đến đúng lúc, đúng người, không chỉ mang lại trợ cấp, mà có thể tạo ra cả một tương lai bền vững.

Tôi rời trang trại khi trời đã ngả chiều. Tay xách rổ trứng chị biếu, lòng đầy suy nghĩ. Không phải ai rơi vào cảnh thất nghiệp cũng may mắn như chị Dung – đủ quyết tâm, đủ sức khỏe, đủ khát vọng để làm lại từ đầu. Nhưng ít nhất, điều tôi thấy là: khi chính sách đến đúng người, đúng lúc, nó không chỉ giúp người lao động vượt qua giai đoạn khó khăn, mà còn tiếp sức cho họ viết tiếp những trang đời sáng rỡ hơn.

Với chị Dung, những quả trứng hôm nay là kết tinh của một khởi đầu rất nhỏ – và rất đúng – từ chính sách bảo hiểm thất nghiệp. Từ trong đó là cả một niềm tin: ai cũng có thể làm lại, nếu có điểm tựa – và dám bắt đầu.

Đọc toàn bộ bài viết