ARTICLE AD BOX
Nông nghiệp hữu cơ ở Quảng Ninh không còn nằm trên giấy mà đã in dấu trong thực tiễn sản xuất.
Trong cuộc chuyển mình về tư duy sản xuất và tiêu dùng, nông nghiệp hữu cơ không còn là khẩu hiệu xa vời mà đã trở thành định hướng chiến lược ở Quảng Ninh. Giữa bối cảnh người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến thực phẩm an toàn, môi trường bền vững và sức khỏe cộng đồng, lựa chọn đi theo con đường canh tác hữu cơ là bước đi đúng đắn, dù còn nhiều chông gai phía trước.
Kể từ khi Kế hoạch số 13/KH-UBND được ban hành vào đầu năm 2023, tỉnh Quảng Ninh đã triển khai hàng loạt hành động thiết thực nhằm xây dựng nền nông nghiệp sạch, có kiểm soát và phát triển bền vững.

Người dân xã Hoành Mô thu hoạch quế. Ảnh: Nguyễn Thành.
Không dừng lại ở việc ban hành văn bản chỉ đạo, Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh đã thể hiện vai trò dẫn dắt khi liên tục ban hành các quy trình kỹ thuật sản xuất hữu cơ tạm thời, tổ chức các lớp tập huấn, hội nghị chuyên đề, đồng thời triển khai mô hình thí điểm có hướng dẫn cụ thể từ chuyên gia. Những nỗ lực này đang từng bước định hình hệ sinh thái sản xuất nông nghiệp mới cho địa phương.
Sự chuyển động không còn nằm trên giấy mà đã in dấu trên thực địa, từ rừng quế, rừng hồi ở các xã Tiên Yên, Đông Ngũ, Hoành Mô đến ruộng rươi ở phường Mạo Khê hay mô hình chăn nuôi gà bản địa ở xã Điền Xá... đều đang từng bước chuyển mình theo hướng sản xuất hữu cơ.
Điểm đáng ghi nhận là vai trò chủ động của nhiều địa phương và doanh nghiệp trong việc tham gia chuyển đổi. Các HTX, doanh nghiệp và nông hộ đã tự tin lựa chọn hướng đi này dù biết trước những khó khăn đang chờ phía trước như chi phí cao, thị trường đầu ra chưa rõ ràng, tiêu chuẩn sản xuất khắt khe và thời gian chuyển đổi kéo dài. Nhưng chính họ là những người đang đặt viên gạch đầu tiên cho con đường phát triển nông nghiệp hữu cơ dài hạn mà tỉnh Quảng Ninh đang theo đuổi.
Theo ông Trần Văn Thực, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV Quảng Ninh, một trong những thách thức lớn hiện nay là việc thiếu đồng bộ về tiêu chuẩn và hạ tầng kỹ thuật phục vụ phát triển nông nghiệp hữu cơ. Các quy trình sản xuất hữu cơ hiện chủ yếu ở mức hướng dẫn tạm thời, chưa phủ đủ cho các loại cây trồng, vật nuôi, thủy sản chủ lực. Nhiều nông hộ vẫn gặp khó trong việc tiếp cận giống sạch, vật tư đạt chuẩn hay cơ sở hạ tầng phù hợp để đảm bảo môi trường nuôi trồng khép kín, kiểm soát tốt dịch bệnh và ô nhiễm.

Mô hình trồng rau thủy canh ở phường Mạo Khê được đầu tư hàng chục tỷ đồng. Ảnh: Nguyễn Thành.
Thị trường cũng là một rào cản không nhỏ. Trong khi chi phí sản xuất hữu cơ thường cao hơn gấp đôi so với nông nghiệp thông thường thì giá bán chưa phản ánh đúng giá trị thật. “Việc thiếu liên kết giữa khâu sản xuất - chế biến - tiêu thụ khiến nhiều mô hình đang dừng ở quy mô nhỏ, chưa tạo thành chuỗi giá trị bền vững. Công nghệ số vẫn còn ít được ứng dụng vào việc kiểm soát, truy xuất nguồn gốc, làm giảm sức cạnh tranh của sản phẩm hữu cơ Quảng Ninh trên thị trường”, ông Thực đánh giá.
Thực tế này đặt ra yêu cầu cần phải bước chuyển mạnh mẽ trong giai đoạn 2026 - 2030. Theo định hướng của tỉnh, thời gian tới sẽ là giai đoạn củng cố nền tảng và tăng tốc, hướng đến mở rộng diện tích sản xuất hữu cơ có chứng nhận, hình thành các vùng sản xuất tập trung, đồng thời thu hút doanh nghiệp đầu tư bài bản vào chuỗi hữu cơ. Đào tạo nguồn nhân lực chuyên sâu, chuẩn hóa kỹ thuật và công nghệ, đẩy mạnh truyền thông và xúc tiến thương mại cũng là những trụ cột then chốt để hiện thực hóa mục tiêu này.
Một điều dễ nhận thấy, đằng sau sự chuyển đổi này là sự kiên định của lãnh đạo tỉnh trong việc theo đuổi mô hình phát triển bền vững, không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng. Những mô hình bước đầu tuy nhỏ nhưng nếu được tiếp sức kịp thời sẽ tạo thành mạng lưới vững chắc, nơi người dân sản xuất ra những nông sản sạch, góp phần bảo vệ chính mảnh đất quê hương mình.