Rộ tình trạng giả mạo fanpage khách sạn để lừa đảo, có cả con dấu của Sở Du lịch

13 nhiều giờ trước kia 4
ARTICLE AD BOX

fanpage - Ảnh 1.

Hàng loạt resort, khách sạn, homestay tại tỉnh Phú Yên cũ (nay là Đắk Lắk) bị giả mạo fanpage - Ảnh: MINH CHIẾN

Trên mạng xã hội gần đây xuất hiện nhiều bài viết phản ánh du khách bị lừa khi đặt phòng qua fanpage tại các resort, khách sạn, homestay tại tỉnh Đắk Lắk (mới).

Fanpage giả lượt theo dõi cao ngút, xuất phiếu đặt phòng có con dấu

fanpage - Ảnh 2.

Một phiếu đặt phòng có kèm mã QR, thậm chí cả con dấu của Sở Du lịch được fanpage giả gửi cho du khách - Ảnh: MINH CHIẾN

Chị Phạm Thị Huyền Thoại (người dân phường Bình Kiến, Đắk Lắk) cho hay ngày 3-7 cả gia đình lên lịch đến Cù Lao Mái Nhà (xã Ô Loan, Đắk Lắk) để nghỉ dưỡng, khi tìm kiếm trên Facebook chị thấy fanpage Nắng House và liên hệ đặt phòng. Sau khi được tư vấn, chị đặt cọc phòng với giá gần 1,4 triệu đồng.

"Tôi chuyển khoản qua mã QR trên phiếu thanh toán, thấy trên phiếu có con dấu, người nhận là công ty hẳn hoi. Tôi chuyển xong thì bên đó báo lại tôi là phải ghi đúng mã đặt phòng vì không kiểm tra được. Sau đó họ yêu cầu tôi chuyển khoản thêm một lần nữa với số tiền 1.350.000 đồng với cú pháp họ soạn sẵn. Tôi thấy có nhiều điều bất thường nên không thực hiện theo và yêu cầu hoàn tiền đã cọc, thì họ bảo cúp máy", chị Thoại nói.

Tương tự, chị Lê Hoài Trang (du khách TP.HCM) cho hay hồi tháng 4 năm nay, chị đặt phòng tại S.M. Beach Resort (phường Bình Kiến, Phú Yên cũ) qua một fanpage.

May mắn, thời điểm đó chị thấy admin fanpage này trả lời với khách rất cộc lốc và liên tục hối thúc chuyển tiền vào tài khoản. Sinh nghi nên chị ngừng giao dịch. Sau đó, khi chị gọi vào số hotline trên website của resort thì mới biết bị lừa. 

"Thật sự du khách như lạc vào mê cung, không biết đâu là giả, thật. Khi tìm kiếm thì thấy fanpage giả còn có lượng người theo dõi cao hơn cả fanpage thật", chị Trang nói.

Trong vai du khách liên hệ đến fanpage giả của Nắng House, Tuổi Trẻ Online cũng được gửi phiếu đặt phòng tương tự. 

Đáng chú ý trên phiếu đặt phòng còn có con dấu giả của phó giám đốc Sở Du lịch cùng mã QR chuyển tiền đến tài khoản của Công ty TNHH INFINITE VN. 

Thấy phóng viên chần chừ, phía fanpage liên tục hối thúc, sau đó nói sẽ hủy giao dịch đặt phòng vì khách hỏi đông. 

Chúng tôi đề nghị được tư vấn trực tiếp, nhưng khi gọi vào số hotline thì không ai bắt máy.

Du khách cần tỉnh táo, nên đặt phòng trực tiếp

fanpage - Ảnh 3.

Fanpage giả (bên trái) có lượt follower (người theo dõi) còn cao hơn cả fanpage thật khiến nhiều khách hàng bị đánh lừa - Ảnh: chụp màn hình

Đại diện Nắng House cho hay đã tiếp nhận nhiều trường hợp khách tới báo đã đặt phòng nhưng lại đặt qua fanpage giả. Đơn vị cũng liên tục đăng bài cảnh báo, cũng như thường xuyên báo cáo các fanpage giả nhưng không thể xử lý triệt để nên đã có lập website riêng để khách đặt phòng.

Ông Hồ Văn Tiến, chủ tịch Hiệp hội Du lịch Phú Yên, cho hay hiện tại trên mạng Facebook có gần 70% là các fanpage giả của các cơ sở lưu trú… Nhiều nơi đã báo cáo cơ quan chức năng, đăng tải cảnh báo, nhưng đến nay tình trạng này vẫn còn tiếp diễn. 

"Để tránh rủi ro, du khách cần tỉnh táo, có thể đặt phòng qua ứng dụng, website uy tín như booking.com, Agoda, Traveloka… hoặc đến trực tiếp cơ sở để đặt phòng. Nhiều đơn vị đã có website du khách có thể truy cập để lấy số hotline hay liên hệ Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch các địa phương để được hỗ trợ", ông Tiến nói.

Ông Nguyễn Lê Vũ - phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đắk Lắk, cho hay sẽ tổng hợp thông tin các trường hợp lừa đảo gửi các đơn vị liên quan để ngăn chặn, xử lý theo quy định pháp luật.

"Sắp tới sở sẽ yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh du lịch phải cung cấp thông tin các fanpage chính thống, đăng tải rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt là tổng hợp số hotline để du khách biết và liên hệ", ông Vũ nói.

Đọc toàn bộ bài viết