Sắp có chính sách đặc thù để phát triển nhà ở xã hội

1 ngày trước kia 1
ARTICLE AD BOX

nhà ở xã hội - Ảnh 1.

Dự thảo nghị quyết thí điểm về chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội sẽ áp dụng nhiều chính sách ưu đãi để tăng tốc làm nhà ở xã hội - Ảnh: NGỌC HIỂN

Mặc dù có nhiều chính sách hỗ trợ, các doanh nghiệp cũng cam kết phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho người trẻ nhưng kết quả thực hiện vẫn chưa như kỳ vọng.

Nhiều quy định thông thoáng hơn cho nhà ở xã hội

Tại tọa đàm với chủ đề “Bất động sản: Nhà ở cho người trẻ” do báo Người Lao Động phối hợp với Hiệp hội Bất động Sản Việt Nam tổ chức ngày 3-4, ông Vương Duy Dũng - phó cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) - cho biết sắp tới sẽ có nhiều ưu đãi hơn đối với phát triển nhà ở xã hội.

Theo ông Dũng, Bộ Xây dựng đang lấy ý kiến dự thảo nghị quyết thí điểm về chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội, chuẩn bị trình Chính phủ, để tiếp tục trình Quốc hội thông qua nghị quyết này.

Trong đó, sẽ có nhiều ưu đãi hơn về thủ tục đầu tư, lãi suất vay cũng như mở rộng đối tượng thụ hưởng và các quy trình liên quan sẽ được rút ngắn nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án.

Bên cạnh đó, ông Dũng cho hay Thủ tướng đã giao Bộ Xây dựng nghiên cứu, đề xuất thành lập Quỹ Nhà ở quốc gia nhằm hướng đến việc phát triển nhà ở giá rẻ một cách bền vững.

“Chính phủ dành sự quan tâm đặc biệt đến việc phát triển nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ cho người trẻ. Trong thời gian qua và sắp tới, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục tổ chức nhiều đoàn công tác nhằm đôn đốc việc triển khai các dự án tại địa phương”, ông Dũng nói.

Ông Phạm Đăng Hồ - trưởng phòng phát triển đô thị (Sở Xây dựng TP.HCM) - nhận định dù TP.HCM được giao xây 100.000 căn nhà ở xã hội là hoàn toàn có căn cứ nhưng vẫn chưa thể đáp ứng đủ nhu cầu thực tế. Với những người không nằm trong đối tượng ưu tiên thì họ buộc phải tiếp cận phân khúc nhà ở thương mại giá rẻ nhưng lại không có chính sách hỗ trợ cụ thể như với nhà ở xã hội.

“Việc phát triển nhà giá rẻ hiện nay phụ thuộc rất nhiều vào cái tâm của doanh nghiệp, vào việc họ có sẵn sàng tiết giảm lợi nhuận để tạo ra sản phẩm phù hợp với người mua hay không”, ông Hồ nói.

Cần có sự trợ lực từ chính sách vốn, lãi suất cho người mua nhà

Ông Nguyễn Đức Lệnh - phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước khu vực II - nhận định các chương trình cho vay dành riêng cho người trẻ đóng vai trò tiếp sức quan trọng, góp phần hiện thực hóa mục tiêu đảm bảo chỗ ở cho toàn dân.

Theo ông Lệnh, việc phát triển phân khúc nhà ở giá rẻ là lời giải cho bài toán chi phí nhà ở trong bối cảnh thu nhập trung bình còn hạn chế. Bên cạnh đó, các ngân hàng thương mại hiện đang tích cực triển khai những gói tín dụng ưu đãi dành riêng cho người trẻ như lãi suất thấp, thời hạn vay dài, giúp người trẻ từng bước tiếp cận và sở hữu căn nhà đầu tiên.

“Vấn đề cốt lõi hiện nay vẫn nằm ở nguồn cung, điều cấp thiết là phải gia tăng nguồn cung nhà ở cho thị trường, đặc biệt là tại các đô thị lớn, nơi nhu cầu của người trẻ và người thu nhập thấp đang rất cao”, ông Lệnh nói.

TS Trương Anh Tuấn - phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, chủ tịch Tập đoàn Hoàng Quân - cho hay với chương trình 1 triệu căn nhà ở xã hội, cần phải có giải pháp xã hội hóa mạnh mẽ hơn.

Trong đó, doanh nghiệp cần được tạo điều kiện để chủ động sử dụng quỹ đất của mình phát triển nhà ở xã hội, với mức giá được tính hợp lý và Nhà nước cần đóng vai trò là “bà đỡ”, hỗ trợ chính sách để các doanh nghiệp có thể tiếp cận và đầu tư hiệu quả hơn vào lĩnh vực này.

Ngoài ra, ông Tuấn cũng đề xuất cần có chính sách ưu đãi riêng về nhà ở cho người trẻ dưới 35 tuổi, tương tự như chính sách ưu đãi với nhà ở xã hội hiện nay.

Đối với vấn đề tín dụng, ông Tuấn đề xuất cần thiết kế gói vay tương tự gói 30.000 tỉ đồng trước đây, tiếp tục hỗ trợ cho những người mua nhà lần đầu hoặc cả những người mua thứ cấp trong các dự án nhà ở xã hội đã hoàn thiện.

“Nếu có một gói hỗ trợ lãi suất hợp lý, điều này sẽ tiếp thêm sức mạnh tài chính cho người trẻ trong hành trình sở hữu ngôi nhà đầu tiên”, ông Tuấn nói.

Đọc toàn bộ bài viết