Bà Nguyễn Thị Thanh Thảo, trưởng phòng quy hoạch phát triển tài nguyên du lịch, Sở Du lịch TP.HCM, phân tích cơ hội ngành du lịch khi TP.HCM gắn tên phường mới - Ảnh: THẢO THƯƠNG
Ngày 21-4, trong Chương trình giới thiệu các hoạt động của ngành du lịch hưởng ứng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, giám đốc Sở Du lịch TP.HCM, cho biết sẽ phối hợp với các chuyên gia văn hóa, nhà nghiên cứu, cộng đồng doanh nghiệp nghiên cứu triển khai kế hoạch "tái cấu trúc" sản phẩm du lịch TP.HCM gắn với việc sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính cấp xã vừa được HĐND TP.HCM biểu quyết thông qua.
Ngoài ra còn gắn với "tái định vị" bản sắc sản phẩm du lịch thành phố. Từ đó tạo nên sức hấp dẫn cạnh tranh cho du lịch TP.HCM trên thị trường chung.
Cơ hội sáng tạo tour du lịch gắn với chủ đề, với không gian di sản
Bà Nguyễn Thị Thanh Thảo, trưởng phòng Quy hoạch phát triển tài nguyên du lịch, Sở Du lịch TP.HCM đánh giá đây là cơ hội tái định vị ngành, làm mới sản phẩm du lịch khi có địa danh mới gắn với lịch sử hình thành.
"Ví dụ đến TP.HCM, nói đi quận 1, quận 3, quận 5 sẽ không gợi hình ảnh cho du khách bằng đi phường Sài Gòn, phường Chợ Lớn, phường Gia Định, gắn câu chuyện của mỗi địa danh. Du lịch có thể tái cấu trúc làm mới sản phẩm.
Chúng ta hoàn toàn có cơ hội sáng tạo tour du lịch gắn chủ đề và thiết kế không gian di sản. Mỗi phường mỗi câu chuyện, địa phương có thể tạo nhiều sản phẩm độc đáo…", bà Thảo nêu quan điểm.
Bà Thảo còn gợi mở thêm hướng mới của du lịch: "Nói đến Sài Gòn là nói đến phồn vinh, nhộn nhịp sẽ có những tour sôi động. Nói đến Gia Định là không gian văn hóa Nam Bộ, hay chợ đêm Sài Gòn, lễ hội đường phố Bến Thành...
Đơn vị hành chính mới có cảm giá thuộc về cộng đồng dân cư, là chủ thể vùng đó. Khi đó người dân sẽ tham gia vào giữ gìn, sáng tạo văn hoá vùng đất. Đó là cơ hội rất lớn để làm du lịch và tạo ấn tượng với du khách".
Một bước đi để hình thành hệ sinh thái du lịch siêu đô thị
Dưới góc độ doanh nghiệp làm du lịch, chia sẻ với Tuổi Trẻ Online, đại diện Vietluxtour nói việc giữ hay đặt lại tên địa danh gắn với văn hóa - lịch sử thành phố giúp tạo nên phần hồn đặc trưng của các sản phẩm du lịch; kết nối, kế thừa văn hóa - lịch sử của Sài Gòn xưa đến TP.HCM nay.
Khách quốc tế tại TP.HCM- Ảnh: THẢO THƯƠNG
"Điều này thật sự ý nghĩa không chỉ với du khách nội địa mà cũng ấn tượng và thuận tiện trong việc tìm hiểu các thông tin du lịch TP.HCM với khách nước ngoài. Đây cũng là cơ hội để làm mới bản đồ du lịch TP.HCM.
Và thành phố cũng cần được thống nhất về chiến lược truyền thông du lịch, để từ người dân cho đến các công ty lữ hành sẽ có sự đồng bộ, nhất quán trong việc lan tỏa các thông điệp quảng bá du lịch", đại diện Vietluxtour đánh giá.
Nhìn ở góc độ phát triển du lịch, tiến sĩ Dương Đức Minh - phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế và du lịch - nhìn nhận đây không chỉ là bài toán quản trị hành chính, mà là một bước đi quan trọng trong việc hình thành một hệ sinh thái du lịch của siêu đô thị.
"Biên giới du lịch của TP.HCM đang được mở rộng theo cách chưa từng có tiền lệ. Thành phố đang đứng trước cơ hội tích hợp toàn diện các không gian sinh thái: biển đảo, di sản, công nghệ sáng tạo của Bình Dương, TP.HCM và Bà Rịa - Vũng Tàu.
Đây chính là nền tảng cho chiến lược đa dạng hóa sản phẩm theo không gian sinh thái đặc thù; là điều kiện để đặc định hoá sản phẩm du lịch theo biểu tượng bản sắc cộng đồng", ông Minh nhấn mạnh
TP.HCM sẽ thành siêu đô thị du lịch đa trung tâm
Ông Minh nhìn nhận hình ảnh TP.HCM trong tương lai không còn bị bó hẹp trong hình dung "một điểm đến trung tâm", mà là một siêu đô thị du lịch đa trung tâm, nơi du khách có thể di chuyển nhanh, trải nghiệm sâu, và sống trọn vẹn trong một chuỗi hành trình cá nhân hoá được thiết kế theo "phân vùng cảm xúc".
"Trong bối cảnh toàn cầu hóa ngày càng sâu rộng, hành vi du lịch thay đổi theo hướng cá nhân hóa hành trình. Vì thế, việc tái định vị cũng là một chiến lược định hình biểu tượng của điểm đến, tạo sức hút mới bằng cách khai thác chiều sâu văn hóa cũ.
Khi những tên gọi như Gia Định, Sài Gòn được "trở lại" trong đời sống đô thị bằng tư duy du lịch sáng tạo. Đó chính là cách thành phố gìn giữ ký ức không phải bằng hoài niệm, mà bằng hành động thiết kế tương lai", ông Minh nhấn mạnh.