
Đoàn tham quan nhà máy chế biến lương thực APG Định Thành (An Giang). Ảnh: Nguyễn Thủy.
Sáng kiến GreenUP chính thức được triển khai từ tháng 9/2024, hướng đến mục tiêu phát triển thương mại điện tử bền vững. Sáng kiến này thúc đẩy sản xuất xanh, lối sống xanh và tiêu dùng có trách nhiệm trong cộng đồng thông qua các hoạt động kết nối doanh nghiệp, nhà sáng tạo nội dung và người tiêu dùng.
Điểm nhấn của sự kiện là các phiên livestream "Sống xanh - Sắm xanh" ngay tại nhà máy, ghi nhận doanh thu tăng trưởng gấp nhiều lần so với ngày thường. Điều này cho thấy, tiềm năng phát triển vượt bậc của thương mại điện tử với những thương hiệu theo đuổi hướng đi bền vững.
Ra đời năm 2021, APG Eco theo đuổi sứ mệnh sản xuất nông sản sạch, chất lượng cao, thân thiện môi trường và đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu khắt khe như VietGAP, GlobalGAP và FDA. Đặc biệt, APG Eco đang góp phần xây dựng thương hiệu gạo Việt trên thị trường thế giới.
Bà Đặng Thùy Linh, CEO APG Eco cho biết, thông qua nền tảng TikTok Shop, doanh nghiệp mong muốn cùng phối hợp để xây dựng một nền nông nghiệp xanh, sạch và bền vững.
"Mỗi hạt gạo là cam kết của chúng tôi với đất lành, người trồng và tương lai, từ đó đem đến những sản phẩm chất lượng đến tay người tiêu dùng trong nước và quốc tế", bà Đặng Thùy Linh nói và cho biết, đơn vị phát triển vùng nguyên liệu gần 5.000 ha tại An Giang và Đồng Tháp, liên kết trực tiếp với nông dân để sản xuất ra những hạt gạo thơm ngon từ giống lúa ST25, BL09. Trong đó, giống lúa BL09 được canh tác trên mô hình lúa - tôm, đây là mô hình bền vững, giúp nông dân ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu, tận dụng tự nhiên để nuôi tôm và trồng lúa luân phiên.
Ngay sau thu hoạch, lúa được xử lý trong 10–14 giờ để giữ nguyên độ ẩm và chất lượng. Quy trình xay xát hiện đại giúp tái chế 100% vỏ trấu thành viên nén sinh khối – giảm phát thải CO₂ và tận dụng triệt để chất thải nông nghiệp. Gạo thành phẩm không chứa chất bảo quản, không hương nhân tạo, được kiểm tra nghiêm ngặt trước khi đến tay người tiêu dùng.

Tiktoker Thảo Mola - một trong những nhà sáng tạo nội dung có kinh nghiệm bán các mặt hàng nông sản, sản phẩm OCOP trên Tiktok Shop tham gia trải nghiệm phiên livestream bán sản phẩm gạo của APG Eco. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Đoàn tham quan xưởng tái chế Limark (TP.HCM) - nơi các nghệ nhân khiếm thị khéo léo "biến hóa" từ 4 vỏ bao gạo thành túi xách. Ảnh: Nguyễn Thủy.
Chia sẻ về trải nghiệm trong chương trình GreenUP Tour, Tiktoker Thảo Mola cho biết, GreenUP Tour là một trải nghiệm ý nghĩa, chương trình không chỉ thúc đẩy việc sử dụng hàng Việt mà còn lan tỏa thông điệp về phát triển bền vững và sống xanh.
"Khi đến tham quan APG Eco, em rất ấn tượng vì mọi quy trình – từ nguyên liệu đầu vào đến sản phẩm đầu ra đều hướng đến sự thân thiện với môi trường. Tôi ấn tượng nhất là việc khách hàng gửi về doanh nghiệp 4 vỏ bao đựng gạo "Vebo lúa tôm" sẽ được bàn tay khéo léo của các nghệ nhân khuyết tật tái chế thành những chiếc túi xách thân thiện môi trường, tiện lợi "có một không hai" và gửi ngược lại tặng khách hàng. Qua đó, giúp lan tỏa giá trị nhân văn và cam kết xanh, hạn chế rác thải ra môi trường.
Điều đó khiến em càng tin tưởng và muốn đồng hành cùng chương trình. Đây cũng chính là định hướng mà em đang theo đuổi: ăn sạch, sống xanh, vì một tương lai bền vững”, Tiktoker Thảo Mola chia sẻ.