Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà - Ảnh: NHNN
Tín dụng nền kinh tế đạt trên 17,2 triệu tỉ đồng
Thông tin trên được Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà, cho biết tại buổi họp báo thông tin kết quả hoạt động ngành ngân hàng 6 tháng đầu năm 2025 được tổ chức hôm nay 8-7.
Tại buổi họp báo, Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà cho biết với những giải pháp đồng bộ, tín dụng đã tăng trưởng tích cực ngay từ đầu năm.
Đến ngày 30-6, tín dụng nền kinh tế đạt trên 17,2 triệu tỉ đồng, tăng 9,9% so với cuối năm 2024 và tăng 19,4% so với cùng. Đây là mức tăng trưởng cao nhất kể từ năm 2022.
"Trong 6 tháng đầu năm 2025, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục giữ nguyên các mức lãi suất điều hành tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng tiếp cận nguồn vốn từ Ngân hàng Nhà nước với chi phí thấp, qua đó có điều kiện để hỗ trợ nền kinh tế.
Đồng thời, chỉ đạo tổ chức tín dụng tiếp tục tiết giảm chi phí hoạt động, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số và các giải pháp khác để phấn đấu hạ lãi suất cho vay.
Nhờ các giải pháp trên, lãi suất cho vay bình quân (áp dụng cho các khoản vay mới) đã giảm 0,64% so với cuối năm 2024. Mức lãi suất cho vay bình quân hiện tại là 6,24%", Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà cho biết.
Theo ông Phạm Thanh Hà, Ngân hàng Nhà nước thường xuyên chỉ đạo các tổ chức tín dụng thúc đẩy tăng trưởng tín dụng đi đôi với đảm bảo an toàn tín dụng, tập trung tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng kinh tế theo chủ trương của Chính phủ.
Đồng thời kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; tiếp tục thực hiện các giải pháp tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng.
Về cơ cấu tín dụng hiện ngành nông, lâm, thủy sản chiếm 6,37%, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm 12,84%, ngành xây dựng chiếm 7,53% (trong đó có các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng là ngành đang được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo đẩy mạnh đầu tư).
Ngành bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác có quy mô dư nợ lớn nhất toàn hệ thống chiếm 23,74%. Hoạt động kinh doanh bất động sản chiếm 18,47%. Hoạt động làm thuê các công việc trong các hộ gia đình, sản xuất sản phẩm vật chất và dịch vụ tự tiêu dùng của hộ gia đình chiếm 12,91%.
Một số ngành có tỉ trọng lớn trong tổng dư nợ tín dụng trong nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng khá, trong đó có các lĩnh vực góp phần thúc đẩy tăng trưởng, như: Các lĩnh vực ưu tiên nông nghiệp, nông thôn và doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp tục là ngành chiếm tỉ trọng lớn trong tổng dư nợ nền kinh tế, lần lượt là 23,16%, 17,51%, tăng 5,31%, tăng 5,71%.
Lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ và doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao có tốc độ tăng trưởng tín dụng cao hơn tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế, lần lượt là 15,69% và 17,59%.
Kinh tế toàn cầu còn nhiều bất định trong giai đoạn tới
Ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước - Ảnh: NHNN
Cũng tại buổi họp báo, Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà cho biết ngay đầu giờ sáng nay 8-7, Mỹ công bố mức thuế 25-40% đối với 14 quốc gia, hiệu lực từ ngày 1-8, đồng thời cảnh báo sẽ tăng thuế nếu như các quốc gia này trả đũa, cho thấy kinh tế toàn cầu còn nhiều bất định trong giai đoạn tới.
"Lạm phát mặc dù hạ nhiệt về mức mục tiêu nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ tăng trở lại. Như vậy, rủi ro tiềm ẩn trên thị trường tài chính - tiền tệ thế giới tạo áp lực lên điều hành chính sách tiền tệ, tỉ giá, lãi suất trong nước cũng như việc thực hiện mục tiêu hỗ trợ tăng trưởng kinh tế năm 2025 đạt 8% trở lên", ông Phạm Thanh Hà nói.
Ông Hà cũng cho biết Ngân hàng Nhà nước luôn theo dõi sát diễn biến kinh tế vĩ mô, thị trường tài chính, tiền tệ trong nước và quốc tế để xây dựng các kịch bản điều hành phù hợp, điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, phối hợp đồng bộ, hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác góp phần ưu tiên thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng kinh tế gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Về biến động của tỉ giá, ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước, cho biết từ đầu năm đến nay, chính quyền Mỹ thay đổi chính sách nhanh, kể cả chính sách kinh tế, tài khóa và đặc biệt là chính sách tiền tệ. Từ đó dẫn đến biến động của USD cũng rất lớn và đã giảm khoảng 10%, thậm chí có những giai đoạn còn giảm hơn 10%.
Sự suy giảm của đồng USD đã khiến nhiều đồng tiền hưởng lợi, nhất là những đồng tiền ở khu vực châu Á. Tuy nhiên, VND vẫn mất giá, đến nay giảm khoảng 2,7-2,8% so với USD.
Ông Quang cho rằng để duy trì sức mạnh đồng tiền thì đồng tiền đó phải có sức hấp dẫn. Sức hấp dẫn một phần có được thông qua lãi suất. Tuy nhiên thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện các chính sách điều hành nhằm duy trì mặt bằng lãi suất thấp, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
"Để có lãi suất thấp phải có sự đánh đổi nhất định, trong đó có tỉ giá vì khi duy trì mức lãi thấp, chênh lệch lãi suất giữa tiền đồng và USD sẽ bị âm. Các tổ chức sẽ chuyển sang nắm giữ đồng tiền khác hấp dẫn hơn", ông Quang nói.
Theo ông Quang, mặc dù cán cân thanh toán của Việt Nam vẫn ổn định, cán cân thương mại vẫn thặng dư nhưng việc khối ngoại rút vốn trên thị trường chứng khoán từ năm 2024 đến nay đã gây sức ép lên thị trường ngoại hối.
Kinh tế Việt Nam có độ mở cao, thị trường xuất khẩu lớn, nhất là sang Mỹ, nên chính sách thuế sẽ ảnh hưởng tới tỉ giá, lãi suất thời gian tới khi dòng vốn dịch chuyển giữa các quốc gia.