Thủ tướng chủ trì phiên họp - Ảnh: VGP
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh tinh thần phản ứng chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả với tình hình bên ngoài; tình hình càng khó khăn càng phải giữ vững bình tĩnh, bản lĩnh, kiên định, tự tin, biến khó khăn, thách thức thành cơ hội, nỗ lực, càng áp lực lại càng có động lực để vươn lên, khẳng định mình, vượt qua giới hạn bản thân.
Cần bình tĩnh xử lý kịp thời, hiệu quả
Việt Nam và Mỹ đã trở thành Đối tác Chiến lược toàn diện, quan hệ kinh tế, thương mại được thúc đẩy trên cơ sở hai nền kinh tế có tính bổ trợ, hỗ trợ, chứ không cạnh tranh, triệt tiêu lẫn nhau. Việt Nam nằm trong nhóm các đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ, đối tác thương mại lớn nhất ở khu vực ASEAN; xuất siêu của Việt Nam sang Mỹ lớn, nhưng có lợi cho cả hai bên.
Vì thế, nếu Mỹ áp thuế đối ứng như đã công bố sẽ ảnh hưởng đến xuất khẩu của Việt Nam, các thị trường gián tiếp của Việt Nam và ảnh hưởng đến người tiêu dùng Mỹ.
Từ thực tế đó, việc xử lý cần mang tính tổng thể, toàn diện, trước mắt và lâu dài, sử dụng đồng bộ các biện pháp chính trị, ngoại giao, kinh tế, đầu tư, thương mại, tranh thủ doanh nghiệp trong và ngoài nước, doanh nghiệp Mỹ, danh nghiệp FDI tại Việt Nam với giải pháp đàm phán phù hợp.
Ông yêu cầu Bộ Tài chính tiếp tục rà soát ngay các sắc thuế, mở rộng chính sách tại Nghị định 73 theo hướng tiệm cận thỏa thuận cấp cao giữa Tổng Bí thư Tô Lâm và Tổng thống Donald Trump tại cuộc điện đàm ngày 4-4.
Bộ Công Thương chủ trì, rà soát để tăng cường nhập khẩu từ Mỹ các mặt hàng Việt Nam có nhu cầu, có lợi khi nhập khẩu. Xúc tiến đàm phán nâng cấp Hiệp định Thương mại song phương Việt Nam - Mỹ.
Bộ Ngoại giao tích cực thu xếp để đoàn đàm phán của Việt Nam gặp các đầu mối quan trọng của phía bạn; cùng Bộ Công Thương tiếp tục giao thiệp để phía Mỹ tạm hoãn áp thuế trong lúc chờ đàm phán.
Thủ tướng lưu ý, trong đàm phán với Mỹ cần chú ý tránh ảnh hưởng tới quan hệ với các đối tác khác.
Thủ tướng Phạm Minh Chính - Ảnh: VGP
Đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế
Tiếp tục thực hiện các giải pháp về thuế, phí, lệ phí để hỗ trợ doanh nghiệp, khuyến khích sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng trong nước, khẳng định quan điểm luôn đồng hành, hỗ trợ, sát cánh cùng người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư. Kiểm soát tốt xuất xứ hàng hóa, thương hiệu và bản quyền, sở hữu trí tuệ.
Về lâu dài, Thủ tướng nêu rõ, phải đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng phát triển nhanh, bền vững, xanh hóa, số hóa, kinh tế sáng tạo, kinh tế tri thức, kinh tế tuần hoàn; tái cơ cấu thị trường, sản phẩm và chuỗi cung ứng theo hướng đa dạng hóa hơn, không phụ thuộc vào một thị trường, khai thác các thị trường mới tiềm năng, như Trung Đông, Trung Á…
Thủ tướng một lần nữa khẳng định, đây cũng là sức ép để đổi mới, là cơ hội để doanh nghiệp và đất nước ta vươn mình, bứt phá và vươn lên; vấn đề rất quan trọng là phải có giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong lúc khó khăn.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính phải có phương án chuẩn bị hỗ trợ doanh nghiệp trong trường hợp khó khăn.