Tin tức sáng 17-4: Ưu tiên để trụ sở dôi dư làm trường học, bệnh viện; TP.HCM thiếu căn hộ bình dân

2 nhiều ngày trước kia 5
ARTICLE AD BOX

trụ sở dôi dư - Ảnh 1.

Đối với các trụ sở dôi dư sau khi sắp xếp, Bộ Tài chính nêu rõ ưu tiên chuyển đổi công năng để làm cơ sở y tế, giáo dục... - Ảnh: LÊ DÂN

Ưu tiên bố trí trụ sở dôi dư làm trường học, thư viện, bệnh viện…

Bộ Tài chính vừa có công văn gửi các bộ ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hướng dẫn sắp xếp, xử lý tài sản công khi tổ chức lại đơn vị hành chính.

Theo đó, trụ sở làm việc của các cơ quan cấp huyện (sau khi bỏ cấp huyện) được ưu tiên bố trí cho đơn vị khác của Nhà nước có nhu cầu để làm trụ sở làm việc.

Đối với các trụ sở dôi dư, Bộ Tài chính nêu rõ ưu tiên chuyển đổi công năng để làm cơ sở y tế, giáo dục, sử dụng cho các mục đích công cộng khác của địa phương như thư viện, công viên, thiết chế văn hóa, thể thao…

Ngoài ra, các trụ sở dôi dư có thể được thu hồi để giao tổ chức có chức năng quản lý, kinh doanh nhà của địa phương quản lý, khai thác.

Riêng đối với ô tô phục vụ công tác chung của các đơn vị cấp huyện sau khi bỏ cấp huyện thì giao, điều chuyển cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị còn thiếu hoặc chưa có tài sản hoặc được xử lý theo quy định.

Trường hợp cần phải đưa đón công chức, viên chức, người lao động khi phải thay đổi địa điểm làm việc thì bố trí xe ô tô hiện có hoặc bổ sung định mức sử dụng xe ô tô chuyên dùng để mua sắm hoặc thuê xe ô tô.

TP.HCM: Căn hộ dưới 50 triệu đồng/m² chỉ chiếm 13%

trụ sở dôi dư - Ảnh 2.

TP.HCM thiếu vắng các căn hộ túi tiền, căn hộ giá bình dân trong thời gian qua - Ảnh: NGỌC HIỂN

Savills Việt Nam vừa công bố báo cáo thị trường bất động sản TP.HCM quý 1-2025 với kết quả thống kê cho thấy toàn bộ nguồn cung căn hộ mới tại TP.HCM đều thuộc phân khúc hạng B và hạng C. Trong đó, nhà ở vừa túi tiền tiếp tục khan hiếm, nguồn cung mới hạng C với giá dưới 50 triệu đồng/m² thông thủy chỉ chiếm 13%. 

Theo Savills, do nguồn cung mới hạn chế và các dự án tạm ngưng bán vẫn chưa mở bán lại, nguồn cung sơ cấp giảm 24% theo quý, gồm khoảng 5.000 căn. Lượng giao dịch quý 1 giảm 46% theo quý xuống còn 1.400 căn.

Dự báo của đơn vị này cho thấy nguồn cung tương lai dự kiến vẫn hạn chế, ước tính gần 7.000 căn trong 9 tháng đầu năm 2025, trong đó 90% sẽ đến từ giai đoạn tiếp theo của 7 dự án hiện có và 4 dự án mới sẽ mở bán mới.

Novaland muốn phát hành cổ phiếu ESOP sau 3 năm "đứng hình"

Novaland vừa công bố thông tin bổ sung tài liệu trước đại hội cổ đông thường niên 2025, trong đó sẽ trình phương án phát hành cổ phiếu cho người lao động (ESOP) 2025 để thay thế cho các đợt phát hành chưa triển khai trong khoảng 3 năm qua vì tình hình thị trường không thuận lợi.

Theo đó, với phương án ESOP 2025, Novaland sẽ thực hiện phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ lên 20.476 tỉ đồng, thông qua hai phương án phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động với mệnh giá là 10.000 đồng/cổ phiếu, nếu thành công sẽ thu về gần 500 tỉ đồng.

Trong tờ trình kế hoạch kinh doanh 2025 trước đó, Novaland đặt kế hoạch doanh thu thuần 2025 theo phương án 1 là 13.411 tỉ đồng và phương án 2 là 10.453 tỉ đồng. Đáng chú ý, dù đặt kế hoạch doanh thu như trên nhưng kế hoạch lợi nhuận sau thuế 2025 theo phương án 1 của Novaland là lỗ 12 tỉ đồng, phương án 2 là lỗ 688 tỉ đồng.

Đây là lần đầu tiên kể từ khi lên sàn, Novaland thận trọng đặt mục tiêu kế hoạch lợi nhuận một năm không có lãi. Năm 2024, doanh nghiệp địa ốc này ghi nhận 9.073 tỉ đồng doanh thu và lỗ 4.395 tỉ đồng.

Thêm nhiều đối tác quốc tế đến Việt Nam tìm mua cà phê, trái cây, bún, phở...

Trong khuôn khổ Triển lãm quốc tế ngành lương thực, thực phẩm thành phố năm 2025 (HCMC FOODEX 2025) với chủ đề "Sản phẩm tự nhiên xanh bền vững" (diễn ra từ 16 đến 19-4 tại Trung tâm Hội chợ & Triển lãm Sài Gòn - SECC), nhiều nhà mua hàng quốc tế đã đến tìm hiểu, đặt mua các mặt hàng thế mạnh của Việt Nam như cà phê, trái cây, thủy hải sản. 

Ông Võ Hữu Trường Ân, đại diện Công ty Coffee Concept (TP.HCM), cho biết giá cà phê đang cao nên nhiều doanh nghiệp trên thế giới tìm đến Việt Nam để mua trực tiếp nhằm cắt giảm giá đầu vào, tăng cạnh tranh. Chưa kể cà phê Robusta của Việt Nam đang được thế giới ưa chuộng bởi hương vị độc đáo, giá bán rẻ hơn dòng Arabica của Brazil. 

Nhiều doanh nghiệp sản xuất thực phẩm lớn như Bình Tây Food, Nosafood, Intermix... cũng cho biết có thêm nhiều đối tác quốc tế đến tìm hiểu, đặt vấn đề nhập khẩu bún, mì, phở khô... 

HCMC FOODEX 2025 quy tụ 500 gian hàng, thu hút sự tham gia của gần 400 đơn vị, cùng hơn 300 nhà mua hàng trong nước và quốc tế đến từ 15 quốc gia tham quan và giao thương. 

FPT Telecom sắp trả nghìn tỉ tiền cổ tức cho SCIC và FPT

Công ty cổ phần Viễn thông FPT - FPT Telecom (FOX) vừa thông qua việc trả cổ tức đợt 2 năm 2024 bằng tiền mặt với mức 3.000 đồng/cổ phiếu. Thời gian chốt danh sách cổ đông dự kiến diễn ra vào ngày 28-4. Còn ngày thanh toán dự kiến vào 6-6.

Với hơn 492,5 triệu cổ phiếu lưu hành, FPT Telecom dự kiến sẽ chi gần 1.480 tỉ đồng trong đợt chi trả cổ tức này.

Hiện Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) là cổ đông lớn nhất nắm giữ 247 triệu cổ phiếu (tỉ lệ hơn 50% vốn), ước tính sẽ nhận về hơn 740 tỉ đồng. Còn Tập đoàn FPT có gần 225 triệu cổ phiếu chiếm tỉ lệ 45,66% nhận về 675 tỉ đồng.

Trên website, FPT Telecom được giới thiệu một trong những nhà cung cấp dịch vụ viễn thông và internet hàng đầu khu vực. Doanh nghiệp này có gần 9.000 nhân sự sau 25 năm hoạt động.

Ca mắc sởi, tay chân miệng gia tăng tại Hà Nội

trụ sở dôi dư - Ảnh 3.

Tiêm vắc xin phòng sởi cho trẻ tại Hà Nội - Ảnh: TTXVN

Sở Y tế Hà Nội vừa có văn bản tăng cường phòng chống sởi và tay chân miệng trước tình hình ca mắc gia tăng, diễn biến phức tạp.

Theo số liệu của hệ thống giám sát dịch, tính đến hết ngày 13-4, toàn TP ghi nhận gần 1.700 trường hợp mắc sởi, số ca mắc theo tuần chưa có xu hướng giảm (trung bình 200 ca mắc/tuần), gia tăng trong nhóm tuổi đi học từ 6-15 tuổi. Đồng thời đã ghi nhận thêm trường hợp tử vong liên quan bệnh sởi trên người có nhiều bệnh nền.

Ngoài ra, TP cũng ghi nhận gần 1.000 trường hợp mắc tay chân miệng, số mắc có xu hướng gia tăng trong 4 tuần gần đây. Nhiều cơ sở giáo dục đã ghi nhận ổ dịch hoặc có học sinh mắc bệnh sởi và tay chân miệng.

Sở Y tế Hà Nội đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo tiếp tục tăng cường công tác truyền thông phòng, chống bệnh sởi và tay chân miệng trong trường học; các trung tâm y tế phối hợp với các đơn vị liên quan tiếp tục rà soát tiền sử tiêm chủng để tiêm bù, tiêm vét cho trẻ em chưa tiêm đủ mũi vắc xin phòng bệnh sởi;

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP tổ chức giám sát chặt chẽ và thường xuyên đánh giá nguy cơ dịch sởi và tay chân miệng để tham mưu chỉ đạo biện pháp phòng chống kịp thời. Dự trù đủ số lượng, tổ chức tiếp nhận và cung ứng kịp thời vắc xin phòng bệnh sởi phục vụ cho công tác tiêm chủng thường xuyên và tiêm chủng chiến dịch...

trụ sở dôi dư - Ảnh 4.

Tin tức chính trên Tuổi Trẻ nhật báo hôm nay 17-4. Để đọc Tuổi Trẻ báo in phiên bản E-paper, mời bạn đăng ký Tuổi Trẻ Sao TẠI ĐÂY.

trụ sở dôi dư - Ảnh 5.

Dự báo thời tiết hôm nay 17-4 tại các vùng miền.

trụ sở dôi dư - Ảnh 6.

Đọc toàn bộ bài viết