Trồng tiêu kiểu 'khuyến khích ' cỏ dại mọc, hiệu quả bất ngờ

1 tuần trước kia 12
ARTICLE AD BOX

QUẢNG BÌNH Trong vườn tiêu anh Đức 'khuyến khích' cho cỏ dại mọc, nơi nào cũng có giun đất sinh sôi.

Con đường lên trang trại của gia đình anh Ngô Văn Đức và chị Đinh Thị Ngọc (thôn Thanh Sơn, xã Thái Thủy, huyện Lệ Thủy, Quảng Bình) chạy quanh co qua những đồi cây keo đang khép tán. Anh Đức từ ngôi nhà bề thế ra đón chúng tôi rồi đưa đi thăm vườn tiêu hữu cơ. “Vùng tiêu này có diện tích hơn 1 ha và đã được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn hữu cơ sau khi liên kết sản xuất với Hợp tác xã Sản xuất Kinh doanh nông sản sạch Sen Thủy”, anh Đức cho biết.

 T. Phùng.

Vườn tiêu hữu cơ của gia đình anh Ngô Văn Đức. Ảnh: T. Phùng.

Vườn tiêu của gia đình anh Đức trồng trên vùng đồi xã Thái Thủy đã được chục năm nay. Ban đầu anh sử dụng các loại phân bón tổng hợp, dù cây tiêu lên xanh tốt rất nhanh nhưng lại bị nhiễm nhiều loại sâu bệnh. Sau này, anh chuyển dần sang canh tác theo hướng hữu cơ, chỉ sử dụng các loại phân chuồng ủ hoai bón cho cây.

Những năm gần đây, gia đình anh Đức mở thêm chuồng trại để nuôi gà, lợn…, sử dụng đệm lót sinh học. Sau mỗi lứa gà, lợn xuất chuồng, anh gom thảm sinh học (gồm hỗn hợp mạt cưa, vỏ trấu, men vi sinh và chất thải của vật nuôi) đưa ủ hoai để bón cho cây tiêu. Nhờ vậy vườn tiêu xanh quanh năm. Cây tiêu hạn chế được sâu bệnh và cho năng suất cao hơn trước rất nhiều.

 T. Phùng.

Canh tác “không làm phiền đất" giúp cây tiêu ít sâu bệnh hại, cho năng suất cao. Ảnh: T. Phùng.

Hiện anh đang áp dụng lối canh tác “không làm phiền đất" trên vườn tiêu, vườn cây ăn quả. Theo anh Đức, trước đây cứ vài tháng là phải kêu người rẫy sạch cỏ trong vườn tiêu. Bây giờ thì ngược lại, anh “khuyến khích” cỏ dại mọc. Cứ mùa nào cỏ đó, khi cỏ mọc lên chừng 20 - 30 cm thì mới dùng máy cắt một lần. Cỏ, cây dại cắt ra được phủ quanh gốc tiêu, phủ trên đất. Khi được rải thêm phân bón vi sinh, lớp cỏ, rơm rạ sẽ thành phân hữu cơ bồi bổ cho đất. Đồng thời, cỏ dại tiếp tục mọc lên chờ cho lần cắt tiếp theo.

“Trong vườn tiêu nơi nào cũng có giun đất sinh sôi. Giun đào bới giúp đất ngày càng tơi xốp, tăng độ ẩm, màu mỡ và hạn chế được trứng, ấu trùng của các loại sinh vật gây bệnh hại cây trồng”, anh Đức giải thích.

Cũng theo anh Đức, sau khi canh tác theo phương pháp “không làm phiền đất", lượng nước tưới cho cây tiêu cũng giảm dần, tiết kiệm được sức lao động và chi phí khác.

Ba năm gần đây, vườn tiêu của gia đình anh Đức luôn cho năng suất và hạt tiêu đạt chất lượng cao. Chị Đinh Thị Ngọc (vợ anh Đức) cho hay, mỗi vụ tiêu gia đình có thu nhập từ 250 - 300 triệu đồng. “Những năm tiêu được mùa, được giá thì thu nhập còn cao hơn. Giá bán tiêu hữu cơ cũng cao hơn tiêu sản xuất truyền thống”, chị Ngọc chia sẻ.

 T. Phùng.

Anh Ngô Văn Đức bên một gốc tiêu hữu cơ. Ảnh: T. Phùng.

Anh Đức năm sau sẽ cải tạo vườn tạp để mở rộng thêm diện tích tiêu hữu cơ. Hiện trang trại anh có diện tích hơn 10 ha đang trồng cao su, cây ăn quả, chăn nuôi lợn, gà… Gia đình anh đang quy hoạch lại vườn vừa để phát triển kinh tế, vừa trở thành nơi có thể phục vụ du lịch sinh thái cộng đồng.

Ông Phạm Văn Đức, Phó Chủ tịch UBND xã Thái Thủy cho hay, địa phương định hướng phát triển kinh tế vùng gò đồi bằng các cây trồng có giá trị kinh tế cao. “Mô hình kinh tế trang trại sản xuất hữu cơ của gia đình anh Ngô Văn Đức là điểm sáng để nhân rộng. Địa phương sẽ có thêm nhiều mô hình tương tự”, ông Đức cho biết.

Đọc toàn bộ bài viết