Ứng phó thuế đối ứng của Mỹ: Chuyển từ làm gia công sang tự chủ

1 tuần trước kia 9
ARTICLE AD BOX

Yêu cầu cấp bách tái cơ cấu nền kinh tế

Sáng 9/4, UBND TP.HCM tổ chức hội thảo “Tăng trưởng kinh tế TP.HCM trước tác động chính sách thuế quan của Mỹ”. Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Được, Giám đốc Sở Tài chính TP Lê Thị Huỳnh Mai và Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM Trương Minh Huy Vũ cùng chủ trì hội thảo.

Phát biểu mở đầu, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Được nhìn nhận, chính sách thuế quan này chắc chắn tác động rất lớn đến chỉ tiêu tăng trưởng 8,5% được Chính phủ giao cho TP.HCM trong năm 2025.

Theo ông Được, lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã có những động thái lãnh đạo, chỉ đạo linh hoạt, kịp thời. Tuy nhiên việc đàm phán sẽ còn khó khăn, chưa có kịch bản như thế nào. "Từ trí tuệ của các nhà khoa học, chuyên gia, hiệp hội ngành nghề... sẽ cho TP.HCM góc nhìn tổng quan, toàn diện để định ra kịch bản phát triển, đưa TP.HCM vượt qua những khó khăn, thách thức", ông Được nhấn mạnh.

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Được phát biểu tại Hội thảo.

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Được phát biểu tại Hội thảo.

GS.TS Trần Ngọc Anh - Đại học Indiana, Mỹ nhận định: Chính sách thuế quan mới của Mỹ không chỉ nhắm vào Việt Nam mà là “đòn đánh toàn cầu”. Trong bối cảnh đó, các tập đoàn đa quốc gia có thể dịch chuyển sản xuất sang Mexico để né thuế. Về thị trường xuất khẩu, thị trường EU có thể sẽ siết chặt nhập khẩu do lo ngại hàng Việt và Trung Quốc tràn vào.

Ông nhấn mạnh: Trong 3 - 4 năm tới, chính sách của chính quyền Mỹ còn nhiều biến động khó lường. Do đó, TP.HCM cần chủ động kích cầu nội địa, chuẩn bị cho các kịch bản dài hạn, tránh phụ thuộc vào một thị trường duy nhất. “Mỹ vẫn giữ vai trò trung tâm công nghệ và tài chính toàn cầu, nên Việt Nam phải có chiến lược ứng phó linh hoạt và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu”, GS.TS Trần Ngọc Anh nhấn mạnh.

GS.TS Trần Ngọc Anh cho rằng, bên cạnh việc tăng nhập khẩu hàng hóa từ thị trường Mỹ, TP.HCM cần tạo liên kết dọc ở thị trường này. Theo đó, TP.HCM có lợi thế khi Diễn đàn Mùa thu Mỹ được tổ chức tại Mỹ, thu hút nhiều doanh nghiệp và chuyên gia công nghệ Mỹ. Đây là cơ hội để TP.HCM phối hợp cùng các địa phương và bộ, ngành mở rộng kết nối, tìm kiếm cơ hội xuất khẩu, đầu tư và hợp tác nhập khẩu.

Một nguồn lực cần khai thác hiệu quả là cộng đồng người Việt tại Mỹ - đặc biệt là những người định cư sau năm 1995, nhiều người trong số họ đã thành công trong các lĩnh vực công nghệ và kinh doanh, có khả năng tạo liên kết hỗ trợ doanh nghiệp Việt.

Toàn cảnh Hội thảo 'Tăng trưởng kinh tế TP.HCM trước tác động chính sách thuế quan của Mỹ'.

Toàn cảnh Hội thảo “Tăng trưởng kinh tế TP.HCM trước tác động chính sách thuế quan của Mỹ”.

Về giải pháp toàn diện, hàng hóa Việt Nam cần hướng đến phân khúc cao cấp hơn để tăng khả năng cạnh tranh và giảm thiểu tác động trước các cú sốc bên ngoài. Đồng thời, xuất khẩu dịch vụ cần được chú trọng hơn nữa.

Về lâu dài, cần thành lập nhóm tư vấn - đối thoại thường xuyên giữa doanh nghiệp và chính quyền. Đồng thời phát triển các đặc khu liên kết với Singapore, châu Âu và Nhật Bản để hỗ trợ chiến lược đa dạng hóa thị trường xuất khẩu.

Kinh nghiệm của Singapore

Đồng quan điểm, GS. Vũ Minh Khương - Đại học Singapore đánh giá, việc Mỹ áp thuế cao lên hàng hóa Việt Nam là một biến động lớn, đặt ra yêu cầu cấp bách phải tái cơ cấu nền kinh tế, đặc biệt trong lĩnh vực xuất khẩu.

Ông nhấn mạnh rằng, cần phải nhìn nhận rõ ràng, sự thay đổi này là một cú hích để Việt Nam chuyển từ "làm gia công" sang "tự chủ và sáng tạo". Cụ thể, TP.HCM là trung tâm kinh tế của cả nước, cần đóng vai trò tiên phong trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm, cải thiện năng lực nội tại, và đẩy mạnh cải cách thể chế nhằm tạo ra môi trường thuận lợi cho đổi mới sáng tạo.

Gợi ý giải pháp cho TP.HCM, ông Khương cho rằng, TP.HCM cần phát triển mạnh các ngành dịch vụ, đặc biệt là các dịch vụ có hàm lượng chất xám cao như tài chính, công nghệ, logistics - vốn ít chịu ảnh hưởng trực tiếp từ thuế quan hay các biến động thương mại toàn cầu. Đây là hướng đi giúp TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung giảm lệ thuộc vào các mặt hàng xuất khẩu thô hoặc sản phẩm dễ bị áp thuế, đồng thời tạo nền tảng vững chắc cho tăng trưởng dài hạn.

Theo GS Vũ Minh Khương, hiện tại, Việt Nam có tiềm năng đạt được mức thu hút đầu tư và giá trị xuất khẩu từ 66 đến 156 tỷ USD mỗi năm, nhưng tốc độ tăng trưởng cần phải đi kèm với chất lượng và khả năng tự chủ. Nếu làm được điều này, chúng ta không chỉ có "con số đẹp", mà còn tạo ra một nền kinh tế thực sự bền vững, có sức cạnh tranh cao và mang lại lợi ích lâu dài cho toàn xã hội.

Dẫn ví dụ cụ thể, GS Vũ Minh Khương cho rằng, Singapore là một điển hình tiêu biểu trong việc chuyển dịch từ nền kinh tế sản xuất sang nền kinh tế dịch vụ có giá trị gia tăng cao. Theo đó, Singapore đã đi trước rất xa khi chủ động đầu tư vào dịch vụ, công nghệ, và hệ sinh thái đổi mới sáng tạo. Điều này không chỉ giúp họ đa dạng hóa nền kinh tế mà còn thu hút được nguồn lực chất lượng cao từ khắp nơi.

Hay như Đức, họ đã xây dựng chiến lược phát triển công nghiệp có chiều sâu, đặc biệt là các ngành công nghệ cao, cơ khí chính xác, tự động hóa - những lĩnh vực không dễ bị thay thế và có vị thế cao trên thị trường toàn cầu.

“Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn. Nếu chúng ta không hành động mạnh mẽ, rất có thể sẽ bị bỏ lại phía sau. Ngược lại, nếu tận dụng được thời điểm này để chuyển mình, chúng ta có thể gây được ấn tượng mạnh với cộng đồng quốc tế, và tạo ra bước đột phá thực sự cho nền kinh tế”, GS. Khương nhấn mạnh.

Ngoài ra, ông cũng lưu ý rằng cần thiết lập lại mối quan hệ cung cầu trong nước, nâng cao năng lực doanh nghiệp nội địa để không chỉ tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu mà còn làm chủ được các khâu quan trọng. Đồng thời, Chính phủ cần quyết liệt hơn trong việc hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi sang các mô hình sản xuất bền vững, đẩy mạnh truyền thông minh bạch, để tránh hoang mang trong dư luận, nhất là khi có các tin giả, tin sai lệch gây rối loạn thông tin.

3 kịch bản tăng trưởng của TP.HCM

Theo TS Trương Minh Huy Vũ - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, có 3 kịch bản về mức thuế Mỹ sẽ áp với Việt Nam sau khi đàm phán. Theo đó, kịch bản 1 mức thuế vẫn giữ nguyên 46% - thì dự báo tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2025 của TP sẽ đạt khoảng 4,63 - 5,75%.

Kịch bản 2 Việt Nam đàm phán giảm mức thuế đối ứng xuống 25% thì GRDP của thành phố sẽ đạt khoảng 6,23 - 7,35%. Và kịch bản cuối cùng, mức thuế suất giảm xuống còn 5 - 15% thì GRDP tăng trưởng 7,37 - 8,49%.

Đọc toàn bộ bài viết