Rác thải từ lâu đã là nỗi ám ảnh của nhiều địa phương khi việc xử lý tiêu tốn không ít thời gian và nguồn lực. Áp dụng công nghệ để biến chất thải thành năng lượng như cách Công ty CP Nước môi trường Bình Dương (BIWASE) đang làm không chỉ giúp giải quyết vấn đề rác thải mà còn góp phần quan trọng vào việc bảo đảm an ninh năng lượng và giảm thiểu tác động đến môi trường, biến đổi khí hậu.
Điện và nhiều sản phẩm hữu ích
Mỗi ngày, khoảng 3.000 tấn rác thải sinh hoạt và công nghiệp được đưa đến Khu Liên hợp Xử lý chất thải Bình Dương. Thay vì chôn lấp, BIWASE đã "hồi sinh" từng phần của rác, biến chúng thành năng lượng sạch và những sản phẩm hữu ích như phân bón hữu cơ, gạch, bê-tông…
Ông Trần Chiến Công, Tổng Giám đốc BIWASE, cho biết việc nhà máy đốt rác phát điện công suất 5 MW đi vào hoạt động vào đầu năm 2024 đã đánh dấu một cột mốc quan trọng trong hành trình biến rác thải thành năng lượng sạch. Nhà máy này đã tiếp nhận phân loại rác làm phân hữu cơ tại Khu Liên hợp Xử lý chất thải Bình Dương lên 2.520 tấn/ngày và khả năng đốt rác lên 400 tấn/ngày. Trong đó, một lò đốt rác 200 tấn/ngày kết hợp phát điện công suất 5 MW đáp ứng 80% nhu cầu sử dụng điện cho hoạt động tại khu liên hợp.
Dự án của BIWASE vừa giúp nâng tổng công suất phân loại và chế biến rác vừa chuyển hóa rác thành năng lượng, góp phần bảo đảm hạ tầng kỹ thuật cho việc phân loại chất thải rắn tại nguồn của địa phương. Đây cũng là phương án dự phòng khả thi nhằm bảo đảm khả năng tiếp nhận, xử lý, biến toàn bộ rác thải sinh hoạt phát sinh hằng ngày trên địa bàn thành nhiều sản phẩm hữu ích, rất phù hợp với xu hướng xem rác là tài nguyên cho kinh tế tuần hoàn hiện nay.
Dự án này có nhà máy tái chế rác sinh hoạt làm phân bón với công suất 840 tấn/ngày; tái chế tro, bùn thải để sản xuất gạch công suất 2.000 m2/ngày; tái chế bùn thải cấp nước để sản xuất gạch với công suất 100 tấn/ngày...
Nhà máy sản xuất phân bón từ rác của BIWASE
Ông Công cho biết Khu Liên hợp Xử lý chất thải Bình Dương rộng 100 ha với công nghệ xử lý đồng bộ, hiện đại vào loại bậc nhất Việt Nam, tạo ra các sản phẩm phân bón hữu cơ, vật liệu xây dựng chất lượng cao, thân thiện với môi trường. Theo công suất thiết kế, mỗi ngày khu liên hợp này có thể tiếp nhận, xử lý trên 3.500 tấn chất thải sinh hoạt, khoảng 1.200 tấn chất thải công nghiệp thông thường, trên 1.700 tấn chất thải công nghiệp nguy hại và trên 160 tấn chất thải xây dựng.
Chất thải rắn sinh hoạt sau khi được xử lý, tái chế ở Khu Liên hợp Xử lý chất thải Bình Dương sẽ trở thành phân bón hữu cơ; các sản phẩm nhựa, kim loại; chất thải đốt phát điện; sản phẩm gạch không nung, bê-tông...
Thể hiện khả năng tự chủ
Từ thành công này, BIWASE tiếp tục đầu tư một nhà máy đốt rác công suất lớn hơn, lên đến 500 tấn/ngày, tương đương công suất phát điện 12 MW.
Qua hơn 6 tháng tìm hiểu từ đối tác quốc tế, BIWASE đã chọn được 3 nhà cung cấp thiết bị chính cho dự án mới, bảo đảm công nghệ tiên tiến hàng đầu. Cụ thể, các hạng mục tổ máy turbine phát điện, lò đốt rác và nồi hơi lần lượt do các công ty SIEMENS (Đức), CNIM MARTIN (Pháp - Ấn Độ) và ISGEC (Ấn Độ) cung cấp.
Đáng chú ý, toàn bộ khâu thiết kế, hoàn chỉnh kiến trúc, xây dựng, lắp đặt thiết bị và vận hành sẽ do chính đội ngũ CB-CNV của BIWASE đảm trách. Qua đó, BIWASE tiếp tục thể hiện khả năng tự chủ về công nghệ và kỹ thuật của doanh nghiệp Việt Nam.
Dự án có tổng mức đầu tư 45 triệu USD, tương đương khoảng 1.150 tỉ đồng. Dự kiến, các thiết bị sẽ được giao đến công trường từ tháng 7-2025 đến tháng 3-2026 và BIWASE sẽ hoàn tất việc lắp đặt, vận hành trong năm 2026.
Ông Trần Chiến Công cho biết dự án này là giai đoạn đầu của một dự án lớn hơn trong tương lai với quy mô công suất phát điện 24 MW. Bên cạnh đó, với công nghệ được cập nhật mới nhất, lượng tro xỉ sau đốt của nhà máy được khống chế không quá 12% - thấp hơn đáng kể so với mức 16%-17% của các nhà máy tại Việt Nam hiện nay. Lượng tro xỉ sau đốt sẽ được tái chế thành vật liệu xây dựng chứ không chôn lấp, theo mô hình kinh tế tuần hoàn được Thủ tướng Chính phủ khuyến khích.
Các nhà chuyên môn cho rằng việc biến rác thải thành điện không chỉ giải quyết vấn đề môi trường mà còn mang lại nhiều lợi ích kinh tế. Theo đó, nhà máy điện rác vừa có doanh thu từ việc cung cấp một nguồn năng lượng ổn định vừa giúp giảm đáng kể lượng rác thải phải chôn lấp. Chưa kể, tro xỉ sau khi đốt được sử dụng làm vật liệu xây dựng, tạo ra sản phẩm có giá trị, giúp giảm chi phí vật liệu...
Giảm được rác chôn lấp cũng đồng nghĩa với việc giảm thiểu các vấn đề môi trường liên quan bãi chôn lấp, như nước rỉ rác chứa những chất độc hại có thể ngấm vào đất và nguồn nước ngầm, gây ô nhiễm nghiêm trọng; mùi hôi thối khó chịu, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người dân xung quanh…
Với quyết tâm của BIWASE cùng sự hợp tác chặt chẽ từ các đối tác trong và ngoài nước, những nhà máy điện rác nêu trên sẽ trở thành hình mẫu cho mô hình xử lý rác phát điện tại Việt Nam.
Nguồn tài nguyên dồi dào, giá trị
Ông Trần Chiến Công nhìn nhận việc biến rác thải thành năng lượng sạch không chỉ là giải pháp công nghệ mà còn là một chiến lược toàn diện, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền, doanh nghiệp và cộng đồng.
Với sự đầu tư đúng mức vào công nghệ, quản lý vận hành hiệu quả và nâng cao ý thức phân loại rác của người dân, Việt Nam hoàn toàn có thể biến rác thải từ gánh nặng thành nguồn tài nguyên dồi dào, giá trị, mở ra một tương lai xanh và bền vững hơn.