Khai thác rong câu đầm Thị Nại

2 nhiều tuần trước kia 17
ARTICLE AD BOX

Loại rong biển mọc tự nhiên này vốn góp phần mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân ven đầm lâu nay.

Theo người dân sống ven đầm Thị Nại, rong câu thường xuất hiện từ tháng 3 đến tháng 8 âm lịch, tập trung nhiều nhất vào mùa gió Nam (tháng 5 - 6). Loài rong này sinh trưởng ở vùng đầm nước lợ, giá trị kinh tế không cao bằng rong câu biển nhưng lại dễ khai thác, tiêu thụ.

Mỗi ngày, khi thủy triều rút, vào khoảng 3 - 4 giờ sáng, người dân bắt đầu ra đầm Thị Nại vớt rong câu. Trên những chiếc sõng nhỏ, họ chèo ra giữa đầm, ngâm mình trong làn nước mát rượi hàng giờ để vớt từng mảng rong mọc trên đáy bùn cát. Đến khoảng 8 giờ, mỗi người đã vớt đầy một sõng rong câu.

"Sau khi phơi khô, một sõng rong câu còn lại khoảng 60 - 70 kg. Với giá 5.000 - 6.000 đồng/kg, mỗi ngày một người kiếm được 300.000 - 400.000 đồng, cũng đủ trang trải cuộc sống. Công việc này không quá nặng nhọc nhưng phải chịu khó ngâm mình trong nước và chịu nắng suốt buổi sáng" - bà Phan Thị Chút (xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước) nhận xét.

Khai thác rong câu đầm Thị Nại - Ảnh 1.

Người dân thu hoạch rong câu trên đầm Thị NạiẢnh: MINH LÊ

Dọc bờ đê ven đầm Thị Nại, rong câu hình thành từng lớp đen óng, trải dài như những thửa ruộng nhỏ. Những ngày này, người dân địa phương tập trung khai thác rong câu, người vớt, kẻ phơi nhộn nhịp. Công việc khai thác rong câu ở đây chủ yếu do phụ nữ đảm nhận, bởi đàn ông thường lo việc đánh bắt cá, nuôi tôm, cua trong các đìa bên trong.

Sau khi phơi khô, rong câu được thương lái thu mua ngay tại chỗ rồi đưa đi phân phối cho các cơ sở chế biến trong và ngoài tỉnh, ra tận Hải Phòng, Hà Nội. Rong câu là nguyên liệu dùng làm sương sa, chè, bánh xu xoa... Không chỉ dừng lại ở giá trị thương phẩm, loại rong này còn được nhiều hộ nuôi trồng thủy sản tận dụng làm thức ăn cho cá, tôm.

"Tôi nuôi cá dìa, cua và tôm. Ngoài thức ăn công nghiệp, tôi còn đều đặn cho chúng ăn rong câu. Rong giúp cá tiêu hóa tốt, phát triển nhanh và góp phần làm sạch đáy đìa" - anh Phạm Hoài Dũng (xóm Cồn Chim, xã Phước Sơn) cho biết.

Theo ông Tôn Kỳ Hải, Chủ tịch UBND xã Phước Sơn, nhiều năm qua, người dân ven đầm Thị Nại không chỉ sống dựa vào nghề đánh bắt hay nuôi trồng thủy sản mà còn gắn bó với các công việc phụ như vớt rong câu, cào don dắt, bắt hàu, vẹm xanh... Ai siêng năng, chăm chỉ đều có thể có thu nhập ổn định. Chỉ riêng việc vớt rong câu, mỗi người dễ dàng kiếm được ít nhất 300.000 đồng/ngày trong mùa thu hoạch.

Dù vậy, các chuyên gia môi trường sinh thái cho rằng rong câu là loài thủy sinh quan trọng trong hệ sinh thái đầm phá. Nếu khai thác quá mức mà không có kế hoạch bảo vệ, nguồn rong câu tự nhiên sẽ dần cạn kiệt, kéo theo nhiều tác động tiêu cực đến môi trường sống của các loài thủy sản trong đầm. Vì thế, việc khai thác rong câu cần đi đôi với ý thức bảo vệ môi trường và giữ gìn nguồn lợi thủy sản lâu dài.

Đọc toàn bộ bài viết