Xanh hóa vận tải hành khách đô thị

2 nhiều ngày trước kia 5
ARTICLE AD BOX

Văn phòng Chính phủ vừa ban hành thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tại cuộc họp ngày 27-3 về các giải pháp toàn diện và cấp bách để xử lý ô nhiễm môi trường không khí tại các thành phố lớn. Theo đó, Phó Thủ tướng yêu cầu UBND TP Hà Nội và TP HCM khẩn trương triển khai các nhiệm vụ, giải pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm để trong 5 năm tới đạt mục tiêu chỉ số không khí (AQI) ở ngưỡng an toàn với sức khỏe con người.

Tiến đến chỉ dùng năng lượng xanh

Một trong những giải pháp mà Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu là UBND TP Hà Nội và TP HCM triển khai thực hiện lộ trình chuyển đổi xanh trong giao thông công cộng. Bên cạnh đó, tổ chức các biện pháp điều tiết phương tiện giao thông hợp lý; thu hồi, loại bỏ phương tiện cơ giới lạc hậu, cũ, nát, không đủ tiêu chuẩn lưu hành gây ô nhiễm môi trường; nghiên cứu giải pháp về khu vực phát thải thấp tại địa phương, triển khai khi có đủ điều kiện.

Tại Hà Nội, ngày 16-4, UBND thành phố đã ban hành quyết định về việc phê duyệt "Đề án đánh giá tổng thể mạng lưới xe buýt, làm cơ sở đề xuất các giải pháp nhằm điều chỉnh, nâng cao chất lượng dịch vụ và sản lượng vận tải hành khách công cộng trên địa bàn". Hà Nội cũng đặt mục tiêu đến năm 2030 có 90% xe buýt sử dụng năng lượng xanh.

 LÊ THÚY

Chuyển đổi xanh trong giao thông đô thị là vấn đề cấp thiết đối với các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM. Ảnh: LÊ THÚY

Hà Nội đưa ra phương án phát triển mạng lưới xe buýt theo 2 giai đoạn. Từ năm 2025-2030, tập trung phát triển các tuyến xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh, kết nối với những tuyến đường sắt đô thị theo tiến độ các tuyến này đưa vào khai thác vận hành; các khu đô thị mới, trung tâm hội chợ triển lãm quốc gia, bảo tàng... Giai đoạn 2031-2035, phát triển theo hướng hỗn hợp, phù hợp với hạ tầng giao thông đường bộ; có giải pháp chuyển đổi phương tiện sử dụng điện, năng lượng xanh với mục tiêu: Tỉ lệ xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh đến năm 2030 đạt khoảng 70%-90%, đến năm 2035 đạt 100%.

Tại TP HCM, cuối tháng 3-2025, UBND thành phố đã ban hành quyết định về định mức kinh tế - kỹ thuật dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt điện lớn, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 15-4. Theo Sở Giao thông Công chánh TP HCM, việc ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật đối với xe buýt điện lớn sẽ góp phần tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy xe điện phát triển trong thời gian tới. Đây là cơ sở để thành phố đưa ra đấu thầu các tuyến xe buýt sử dụng điện trong tương lai.

Sở Giao thông Công chánh TP HCM cho biết đơn vị đã hoàn thành giai đoạn 1 Đề án Kiểm soát khí thải phương tiện giao thông trên địa bàn, báo cáo UBND thành phố trình HĐND thành phố xây dựng nghị quyết ban hành quy định về lộ trình thực hiện chuyển đổi và chính sách hỗ trợ chuyển đổi phương tiện giao thông công cộng bằng xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh ở TP HCM.

Theo lộ trình chuyển đổi phương tiện từ diesel sang năng lượng điện của đề án trên, từ năm 2025, xe buýt thay mới trên địa bàn TP HCM phải là xe điện. Tuy nhiên, việc chuyển đổi sang xe buýt điện hiện gặp không ít khó khăn, như chi phí đầu tư, vận hành cao hơn 13% so với xe chạy bằng diesel; quy hoạch hạ tầng trạm sạc điện chưa có; quy định về cấp phép, quản lý hoạt động đầu tư, xây dựng, lắp đặt hệ thống trạm sạc... còn thiếu.

Ngoài Hà Nội và TP HCM, Bình Dương cũng thúc đẩy mạnh mẽ việc thực hiện xanh hóa vận tải hành khách đô thị. Theo kế hoạch giai đoạn 2023-2030, Bình Dương thúc đẩy chuyển đổi phương tiện giao thông cơ giới đường bộ sử dụng điện; mở rộng phối trộn, sử dụng 100% xăng E5 đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ. Bên cạnh đó, tỉnh phát triển hạ tầng sạc điện để đáp ứng nhu cầu của người dân và doanh nghiệp; khuyến khích các bến xe, trạm dừng nghỉ xây dựng theo tiêu chí xanh.

 THẢO NGUYỄN

Xe buýt chạy bằng năng lượng sạch tại Bình Dương. Ảnh: THẢO NGUYỄN

Bình Dương phấn đấu đến năm 2050, 100% phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, xe thi công tham gia giao thông chuyển đổi sang sử dụng điện, năng lượng xanh. Ngoài ra, toàn bộ bến xe, trạm dừng nghỉ đạt tiêu chí xanh; chuyển đổi toàn bộ máy móc, trang thiết bị xếp dỡ sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang sử dụng điện, năng lượng xanh.

Chuyển đổi dần phương tiện

Chính phủ yêu cầu các địa phương khuyến khích người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng, chuyển đổi sang phương tiện xanh, ít phát thải.

Bộ Nông nghiệp và Môi trường (NN-MT) được yêu cầu trong tháng 4-2025, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với khí thải phương tiện ô tô, xe máy lưu hành. Bộ Công Thương, Bộ Tài chính ban hành các cơ chế về ưu đãi thay đổi chuyển đổi nhiên liệu, chuyển đổi phương tiện, chuyển đổi công nghệ xử lý, phát triển hạ tầng xanh tại các đô thị.

Ông Nguyễn Đình Hoa, Phó Giám đốc Sở NN-MT TP Hà Nội, nhấn mạnh giao thông xanh, triển khai hệ thống giao thông công cộng hiện đại như xe buýt điện, các tuyến đường sắt đô thị, làn đi xe đạp và các khu vực đi bộ là những việc trọng tâm được thành phố triển khai.

Để chuyển đổi sang phương tiện giao thông xanh, Bộ NN-MT đã nâng mức yêu cầu đối với các loại xe lắp ráp mới, đặt ra ngưỡng tiêu chuẩn cao nhằm kiểm soát khí thải ngay từ khâu sản xuất. Bộ Công Thương cũng xây dựng chính sách giá điện cho trụ sạc - "chìa khóa" để khuyến khích người dân chuyển đổi sang sử dụng xe điện. Ngoài ra, các quy chuẩn hạ tầng cũng đang được rà soát để đồng bộ với sự phát triển của các phương tiện giao thông, như trạm sạc điện tại trạm dừng nghỉ, bến xe và khu đô thị.

Theo ông Nguyễn Hữu Tiến, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ, Môi trường và Vật liệu xây dựng - Bộ Xây dựng, để chuyển đổi sang phương tiện giao thông xanh thì không chỉ phụ thuộc các chính sách kinh tế mà còn đòi hỏi một loạt giải pháp tổng thể, từ hạ tầng đến truyền thông và việc thay đổi hành vi của người dân.

Bộ Xây dựng cũng đã ban hành Thông tư quy định về phương tiện xanh, sạch; trong đó tạo hành lang ưu tiên cho xe có mức phát thải thấp hoạt động ở một số khu vực nhất định. Ngược lại, các phương tiện không đáp ứng tiêu chuẩn xanh sẽ bị hạn chế lưu thông. 

Nhiều ý kiến cho rằng hạ tầng giao thông công cộng, như đường sắt đô thị, cần được đẩy mạnh phát triển và tích hợp vào quy hoạch đô thị.

Theo ông Đặng Huy Đông - nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quy hoạch và phát triển - các khu đô thị phát triển dựa trên các trạm giao thông công cộng với đầy đủ tiện ích dân cư, cơ sở dịch vụ… bám theo trục giao thông công cộng metro giúp giảm 40% lượng người tham gia giao thông, giảm hàng chục km di chuyển hằng ngày cho mỗi công dân; từ đó giảm được hàng tỉ km di chuyển dân cư đô thị - tương ứng với hàng triệu tấn CO2 mỗi năm.

"Cần bắt đầu bằng việc quy hoạch đô thị dựa vào giao thông công cộng, hạn chế giao thông cá nhân; hạn chế dần rồi đi đến việc cấm xe chạy xăng, dầu trong đô thị" - ông Đông nhấn mạnh.

Đọc toàn bộ bài viết